với bà ấy rằng đi đâu cũng nhớ phù hộ cho hai đứa cháu nó đánh giặc. Đấy
cũng là nhiệm vụ của bà ấy!
Ông cụ kể xong, như người trút được nỗi lòng, liền cường vang và
kêu: "Toàn là chuyện mê tín! Toàn là chuyện mê tín!". Ông cụ gọi mấy đứa
cháu nhỏ lại, bế lên lòng rồi hỏi chị Quý đang nhấp nhỏm định xin phép ra
về:
- Nhà Quý có việc gì ở nhà mà vội thế? Chiều hôm qua, trên xã có thư
của thằng Lân mới đánh về phải không?
Chị Quý lại ngồi xuống bên vỉa hè. Từ lúc ăn giỗ xong, chẳng hiểu sao
chị thấy lâm râm đau bụng như những lần trước mỗi khi bắt đầu có nghén.
Chị định về nhà nằm nghỉ nhưng lại phải ngồi nán lại, và bắt đầu kể lể rành
mạch:
- Từ hôm cháu bước chân ra đi, đã gửi về hai lá thư. Cuối tháng tám
một lá, giữa tháng mười một lá.Cả hai lá thư, cô Thùy đã đọc. Lần nào cháu
cũng bảo rằng khỏe mạnh hơn ở nhà, lên thêm những ba bốn cân.
Đến lá thư này thì lại chẳng đề "hòm thư" nào cả. Nó bảo tôi báo cho
ông và cả nhà biết rằng nó đã được phiên chế về đơn vị mới sửa soạn đi
chiến đấu xa lắm. Ở đấy làng ta cũng có mấy người, nhưng ở tiểu đoàn
khác. Bây giờ mỗi buổi sáng nó tập leo núi, tập chạy mười lăm cây số,
mang cả bạc đà, súng, đạn. Nó viết: khi nào u nhận được thư này thì con đã
đi xa rồi.
Chị Quý kể đến đây thì ngồi lặng yên, cơn đau tăng lên, mặt hơi tái đi.
Trong phút chốc, một bầu không khí gần như trang nghiêm bao trùm lên
khung cảnh gia đình. Bác Thỉnh và Thùy chợt nhớ đến ngày Lân rời nhà ra
đi.
Nghe tin ấy, trong cả nhà ông cụ là người vui nhất. "Thế là gia đình
mình đã góp một thằng cháu cầm súng đi chiến đấu xa rồi!". Ông cụ vô