cùng sung sướng nghĩ đến Lân, đến những người đồng ngũ của cháu, và
con đường mà họ đang đi tới. "Ở đâu cũng giang sơn mình, cũng là người
nước Việt Nam mình, cũng một nỗi khổ và niềm vui như thế cả!". Ông cụ
lại nhìn lên bàn thờ, bồi hồi nhớ lại hồi bộ đội về tiếp thu các vùng bên kia
sông, hồi ấy bà cụ đang ốm nặng. Ông vực một bên nách, bác Thỉnh vực
một bên, hai người dìu bà ra ngồi ở ngạch cửa để nhìn lá cờ của ta, bé như
một đốm lửa đỏ, kéo trên lũy tre ở một làng rất xa bên kia sông. Bà khỏe
hẳn ra, thấy ai đi qua cũng khoe: Sao lá cờ của ta linh thiêng vậy, thoắt kéo
đi lại thoắt hiện về!" Ông bảo bà cố mà sống, để xem các anh bộ đội đi "thu
lại Nước!" Quân Pháp rút theo cách cuốn chiếu, cờ nó lùi đến đâu, cờ ta
cắm đến đó. Đến ngày lá cờ đỏ sao vàng to như cánh buồm tiến về cửa
sông Kiều thì bà mất. Ngày ấy, ông cứ tiếc cho bà không gắng sống mà đi
đây đi đó, trời đất đã rộng thênh thang! Đồng bào ta "trong ấy" ngày mai
đây cũng vậy. Miễn là đuổi hết thằng Tây, thằng Mỹ, cứ húp bát cháo, tay
cầm lá cờ mà đi đây đi đó cũng sướng. Người ta có mảnh đất dưới chân và
hai bàn tay là có tất cả, xây dựng lên được tất cả!
Khuôn mặt rám đen, lóng lánh màu quang dầu của ông cụ cứ rạng rỡ,
nở nang dần vì hơi rượu, và cái tin đứa cháu trai được "nhận nhiệm vụ đi
chiến đấu xa". Ông nói với hai người đàn bà, như ra lệnh:
- Việc này là việc quân cơ. Các chị không được đi đâu cũng nói, cũng
khoe nghe không?
***
Khoảng một giờ chiều, dọc hai bên bờ sông Đào cất lên một tiếng reo
lớn và kéo dài. Người ta vừa vét xong lớp đất cuối cùng.
Con sông Đào nằm dài giữa cánh rừng như một con trăn khổng lồ đã
bị moi rỗng ruột. Hai bên bờ, ngổn ngang những ụ đất, những giành sọt đã
hỏng rách chìm sâu trong bùn, những thân cây sú bị đất lấp tới ngang giữa
thân. Người đứng hai bên bờ đông nghịt. Trên phần đất làng Kiều, một