ngoài lò thì thấy thằng Lân ra ngồi bên cạnh. Nó nói với tôi rằng nó đi bộ
đội mà ở nhà gia đình vẫn cứ hằn thù nhau, dì nó gặp ai cũng bới chuyện
xấu trong gia đình ra nói, nó bực mình lắm... Tôi đã nghĩ nhiều rồi, cô ạ!
Tôi nghĩ, cháu nó còn trẻ tuổi, phen này nó ra đi làm nhiệm vụ giết giặc
cứu nước, chẳng nên để cho nó ra đi mà trong bụng lại vướng víu phiền
muộn. Cho nên hôm nay nhân buổi tiễn cháu lên đường, tôi muốn sang bên
nhà dì Quý. Tôi mời dì nó sang bên này cùng ăn bữa cơm với con cho vui
vẻ. Người ta giận nhau, nhưng gặp mặt nhau một lần thì về sau cũng bớt
giận nhau đi. Kể từ ngày chị ta ra ở riêng, tôi chưa đặt chân đến nhà bao
giờ. Tôi đã thưa chuyện với ông, bàn với ông chuyện cũ nên quên đi... Bên
ấy cháu bé đông. Tôi đã bàn với ông rằng khi thằng Lân lên đường thì ông
lại vào ở trong ấy một dạo, để cho nhà trong ấy đỡ vắng vẻ. Chắc cô cũng
hiểu bụng tôi. Vậy cô giúp tôi, cốt làm sao lần này tôi và dì nó được hòa
thuận, cháu nó ra đi cầm khẩu súng cho được mát mẻ.
Nói rồi, bác nhờ Thùy trông chõ xôi, bác xách nón đi thẳng vào xóm
trong để mời chị Quý ra.
Bữa cơm ngon hôm ấy, tất nhiên mọi người ăn uống một cách ngượng
nghịu, ít thoải mái. Ba người đàn bà tranh nhau ngồi đầu nồi. Cuối cùng
bác Thỉnh lấy cớ mình là chủ nhà, bác bê nồi cơm để bên cạnh. Người ta
liếc nhìn nhau, và trao đổi câu chuyện một cách ý tứ. Tuy vậy, không khí
chẳng có gì giả dối cả. Tất cả mọi người trong gia đình đều chân thành
nâng niu một sợi dây vô hình mới se lại, đang còn mỏng manh.
Chị Quý bưng bát cơm trên tay mà vẫn chưa hết ngạc nhiên. Chị cứ
ngồi sững sờ, hết nhìn Lân lại nhìn người khác. Từ lúc chị cắp chiếc nón
trước bụng theo bác Thỉnh sang, chị chỉ nói nhỏ nhẻ, và miếng cơm cũng
nhỏ nhẻ. Nhưng trong bụng, chị nghĩ nhiều lắm. Đã lâu lắm, có thể đã năm
sáu năm chị mới nói chuyện và ngồi ăn cùng mâm với bác Thỉnh. Người
đàn bà chuyên ở trần, xấu xí và chất phác ngồi trước mặt như tỏa ra một thứ