- Tội nghiệp, về sau anh ấy có được đi không?
Lân đang nhai lúng búng đầy miệng, vội vàng đáp:
- Đi thế nào được hả u, phải khám sức khỏe, khai lý lịch đủ các mặt
mới gọi là trúng chứ!
- Như tao thì tao để cho người ta đi - Bác Thỉnh liền đáp, và nhìn Lân.
Thùy kể xong liền quên ngay câu chuyện mà mình vừa kể một cách
sôi nổi. Ban nãy Thùy hết sức cảm động khi nghe bác Thỉnh bày tỏ ý nghĩ
của mình. Ban đầu cô nghĩ rằng hôm nay mình chỉ dự một bữa cơm bình
thường, như mọi bữa cơm gia đình có con cái đi xa. Trong cuộc kháng
chiến lần trước, Thùy chỉ là một cô bé chưa đủ tóc để cặp, bám bên dải yếm
mẹ đi tản cư. Cuộc kháng chiến thần thánh của cha anh, cô hiểu khá kỹ qua
chuyện người lớn, qua những tác phẩm hồi ký và chủ yếu là qua những bài
học ở nhà trường, mỗi năm học một ít. Mấy năm đi dạy, cô lại đem những
bài học ấy truyền lại cho các em. Bao giờ cũng thế, mọi điều hiểu biết gián
tiếp đều mơ hồ, thiếu những chi tiết đầy đủ. Thùy đang thử đặt mình vào
hoàn cảnh của bác Thỉnh. Với tâm hồn trong trắng luôn luôn hướng về
những điều tốt đẹp, cô giáo đang tự hỏi mình: Liệu ở vào hoàn cảnh của
bác, mình có xử sự như bác không? - Được, mình có thể làm như thế! Cô
hỏi mình rồi lại trả lời cho mình. Rồi từ đó, một niềm vui rộn lên trong lòng
Thùy. Cô càng sung sướng khi nghĩ mình đã ít nhiều được bác Thỉnh quý
mến, quyến luyến và tin cậy. Thùy chống đũa, ngước nhìn khuôn mặt chất
phác, lấm tấm những hoa muối trắng của bác.
- Mời cô ăn đi chứ, sao cô cứ ngồi nhìn nhà Thỉnh mãi...
Thùy giật mình nghe tiếng nói khàn khàn của ông cụ. Từ lúc ngồi vào
mâm, Thùy chỉ thấy ông cụ Lâm nhấc hết chén rượu này đến chén rượu
khác, chưa hề đụng đũa. Vừng trán răn reo màu quang dầu đã hơi hơi bóng