CỬA SÔNG
Nguyễn Minh Châu
www.dtv-ebook.com
Chương 6
Con sông Kiều đang giữa mùa nước sa.
Đoạn sông trước cửa trường học ngày càng đỏ sậm. Nước thủy triều từ
ngoài khơi đổ vào, con nước sa từ trên thượng nguồn đổ xuống, các cụ già
kể rằng ngày xưa cá chép vượt qua được ba cửa xoáy nước và sóng lừng ở
cửa sông Kiều mới hóa thành rồng.
Thùy đã quen với những mùa nước, với tiếng nước nguồn réo ầm ầm
hai bên bờ làm đổ sập từng tảng đất. Mỗi buổi tối, Thùy nghe buổi phát
thanh "dự báo thời tiết" báo có mưa to vùng thượng nguồn, qua một đêm,
cô thức giấc trông ra thấy nước đã lênh láng bãi cát, dải rừng sú kéo dài bên
kia sông cũng đầy ắp nước. Rồi chỉ trong một vài giờ, con nước sa đã tuôn
đỏ ngầu cửa sông, cái vạch nước biển xanh đang ngấp nghé bị đẩy lùi ra
ngoài mặt biển xa tít.
Bên kia sông Kiều, xóm làng rất vắng. Hồi Pháp thuộc đấy là vùng
trộm cướp ẩn náu. Suốt dải bờ biển dài ước khoảng gần mười cây số chỉ có
vài ngôi nhà đèn biển bỏ hoang phế nằm giữa một cánh rừng sú mọc dày
đặc, kéo dài. Những cây sú lâu năm cao một đầu một với, lá dày và xanh,
lớp vỏ ngoài đen sạm, từ thân cây mọc ra hàng chục nhánh rễ cắm chặt vào
lớp bùn đen quánh. Rễ sú mọc chẳm và sâu. Hồi kháng chiến, các vị trí
địch ở các vùng lân cận và tàu ngoài khơi hàng ngày dội vào không biết
bao nhiêu là đạn đại bác nhưng cánh rừng sú vẫn không hề suy suyển. Bom
đạn chỉ phạt gãy ngang thân cây nhưng không tài nào nhổ lên được một gốc
sú. Trong những năm phong trào đen tối nhất, cánh rừng sú là căn cứ địa
vững chắc của du kích Kiều Sơn và các làng xung quanh. Tây càn quét