- Bác ấy nghe tin thằng Lân còn đóng quanh quẩn ở vùng chợ Hạc,
chưa đi đâu xa nên tìm đến thăm nó.
- Nó đi tận đâu đâu rồi! Nó vừa ra khỏi nhà đã đi thăm làm gì? - Lâm
nói và bước vào nhà.
Khác với những lần Lâm về, nhà cửa vắng vẻ quá. Trên chiếc giường
gỗ quang dầu đỏ chót, thằng con trai lên chín tuổi đang nằm ngủ, có lẽ
thằng bé suốt ngày đi chơi nên mới lăn ra ngủ sớm thế. Ông cụ Lâm đứng
quay lưng ra ngoài, đang thò tay lên đỉnh màn như tìm một vật gì. Ông cụ
nghe tiếng chân bước ngoài sân liền quay ra. Lâm chào:
- Ông!
- Anh ở bên nhà Thỉnh sang đấy ư? - Ông cụ buông màn cho cháu
xong, chỉ hỏi Lâm có một câu rồi chẳng hiểu sao, ông cụ lật đật bước thẳng
ra sân, sang bên nhà hàng xóm.
Lâm rút trong chiếc cặp ra một chai rượu ngâm thuốc đặt lên bàn. Trên
chiếc bàn mộc mới đóng, chưa kịp quang dầu chỉ có một ngọn đèn dầu vặn
nhỏ, ánh sáng tỏa lù mù. Lâm nhìn ra khoảng sân tối: "Sao thấy mình về,
ông cụ lại bỏ đi? Hay là ông cụ lại có thêm điều gì giận mình?". Lâm tự hỏi
và thấy không được vui lắm. Từ lâu, có lẽ đã hơn mười năm qua, mối quan
hệ giữa Lâm và ông bố thiếu một cái gì đó, có thể gọi là sự gần gụi tự nhiên
của tình cha con. Ít ra cũng do chính Lâm tự thấy như vậy. Lâm còn nhớ
ngày mới hòa bình, mình về thăm nhà. Nhà cửa sau những năm địch chiếm
đóng xơ xác, bác Thỉnh vừa gầy vừa già, hai con mắt sâu hoắm. Trong
chuyến về ấy, nhìn cảnh nhà Lâm càng hối hận. Nhưng điều sai lầm đã xảy
ra rồi! Lâm hết lời xin lỗi gia đình và nói thực mình đã trót lấy vợ hai, đã
có với nhau một đứa con. Bác Thỉnh ngồi nghe, hồi lâu mới đưa tay lên
quệt nước mắt và bảo: "Sự tình đã như vậy thì ông hãy cứ đưa chị ta và con
về đây ở với tôi". Riêng ông cụ nghe Lâm nói liền nổi giận đùng đùng và
bỏ đi uống rượu. Ông cụ vốn trọng sự ân nghĩa, lại rất quý bác Thỉnh. Ông