tôi làm hàng trăm cái hầm bí mật. Tôi đã làm cái hầm thì tôi cứ chỉ đúng
chỗ, đố anh em du kích tìm ra được chứ đừng nói thằng Tây. Chẳng tin, anh
cứ hỏi ông Vàng là người đã từng ngồi suốt tháng dưới mấy cái hầm tôi
đào...
- Cụ có hay đi làm xa không? - An hỏi.
Ông cụ kể năm ngoái, bên công trường muối dựng nhà kho để dụng
cụ, ban chỉ huy công trường đặt giá khoán một bức tường mười hai khung
giá sáu chục đồng. Những thợ xã khác chê đặt giá rẻ không nhận. Ông cụ
liền đứng ra nhận làm chỉ có bảy ngày rưỡi là xong, lấy về nhà một lúc sáu
chục đồng!
Lần này ông cụ làm cho anh em bộ đội gần một tháng nhưng vẫn bảo
chị Quý vắt cơm cho mình mang đi ăn.
Ngày hôm sau, An sang bên rừng thấy các bức tường ở các dãy nhà
đầu tiên đã kín, có bức đã khô. Ông cụ đang lúi húi nhào đất chuẩn bị đắp
sang khung nhà khác. Trông thấy đôi bàn tay ông cụ trắng nhợt vì nước ăn,
An khẩn khoản đề nghị ông cụ nghỉ. Ông cụ liền từ chối:
- Công việc quân sự phải làm gấp, nghỉ sao được? Tôi không cầm
được khẩu súng như hai thằng cháu tôi thì tôi cũng góp sức đánh Mỹ bằng
cái nghề của mình chứ!
Ông lão trả lời rồi dẫn An đi xem từng dãy tường rất dày và chắc chắn,
quả là tốt hơn dựng phên nứa và tiết kiệm được nhiều. Lần này, An lại phải
ngồi suốt buổi nghe ông cụ giảng giải về cái nghề của mình một lần nữa.
Tính ông cụ Lâm như thế! Phàm gặp bất cứ người nào, ông cũng đem
khoe cái nghệ thuật đắp tường. Ông có con làm bí thư huyện nên mọi người
đều kính nể, nhưng ông cụ không khoe con bao giờ, và chỉ muốn người ta
trọng mình ở hai bàn tay lấm đất.