CỬA SÔNG - Trang 99

***

Mùa gặt đã gần xong.

Đến giữa tháng mười một thì công trường cũng sắp hoàn thành và

đang bước vào một đợt lao động quyết liệt nhất. Suốt ngày đêm, dù ở xa từ
bên cánh đồng làng Kiều, cũng nghe tiếng ồn ào bên sông vọng sang.

Bây giờ đứng trên bờ nhìn xuống lòng sông Đào thấy hun hút như

trông xuống đáy vực. Hai bờ đất cứ mở ra, ngày một cao ngất. Những đoàn
người đứng xếp hàng một, cách nhau vài chục bước chân, rải từ dưới đáy
sông lên hai bên bờ. Hòn đất đưa từ dưới lên ngày một xa.

Khu vực công trường ở ngoài cùng, giáp sông, là phần đất của làng

Kiều. Đấy là cửa sông Đào. Cửa "sông Đào" chưa mở. Một vỉa đất dày gần
mười thước, được đắp cao thêm để ngăn nước bên ngoài không cho chảy
vào con sông đang đào. Phía ngoài, sông Kiều cứ chảy xiết. Những chiều
thủy triều lên, mặt nước dâng cao và rộng như mặt biển, sóng vỗ xói vào
bờ, y như tuồng con sông Kiều đã đánh hơi thấy một nhánh sông mới, cứ
dồn nước đến xung quanh cái bờ đất ngăn, chực tràn vào.

Phía trong cửa sông Đào, hàng trăm dân công làng Kiều đang hối hả

làm việc, đứng trên bờ trông xuống chẳng khác gì một đàn kiến lớn, mình
đen trũi đang chậm rãi, kiên nhẫn tha từng viên đất lên, rồi lại chậm rãi,
kiên nhẫn quay xuống tha viên khác. Trên quãng này, hai bờ cách xa nhau,
lòng sông cũng sâu hơn. Tháng trước, theo sáng kiến của Thùy và các giáo
viên trong làng, ông Vàng cho dựng những cái giá xúc bùn bằng tre hoặc
bương như kiểu cần trục. Nhưng đến nay, những cái giá xúc đã phải xếp lại,
mà hoàn toàn chỉ có thể trông vào sức người và lòng kiên nhẫn không mệt
mỏi. Mỗi giọt bùn, mỗi hòn đất mang lên tới nơi là một giọt mồ hôi của
nhân dân góp vào cùng bộ đội đánh giặc.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.