là không có lý do.
Rõ ràng trong giai đoạn đầu, chế độ Xô viết có tính chất bình đẳng
hơn rất nhiều và ít quan liêu hơn ngày nay. Nhưng cái bình đẳng ấy là cái
bình đẳng của sự nghèo nàn chung. Các tài nguyên trong nước eo hẹp đến
mức không cho phép các giới ít nhiều được ưu tiên tách rời quần chúng.
Đồng lương “bình quân” xóa mất sự kích thích cá nhân, trở thành một trở
lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất. Kinh tế Xô viết đã ít nhiều ra khỏi
chỗ đói nghèo, khiến cho sự tích lũy các chất béo đó – các đặc quyền, đặc
lợi – có thể làm được. Tình trạng hiện nay của nền sản xuất còn rất xa mới
bảo đảm được cho tất cả mọi người cái cần thiết. Nhưng nó đã có khả năng
ban cho thiểu số những lợi lộc quan trọng và biến sự bất bình đẳng thành
một nhân tố khích lệ đa số. Đó là lý do đầu tiên tại sao sự gia tăng sản xuất
cho đến nay chỉ làm đậm thêm những nét tư sản chứ không phải xã hội chủ
nghĩa của Nhà nước.
Lý do đó không duy nhất. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh nhân
tố kinh tế áp dụng các phương pháp tư bản chủ nghĩa về thù lao, còn có tác
động của nhân tố chính trị nằm ngay trong bản thân chế độ quan liêu. Tự
bản chất nó, chế độ quan liêu đẻ ra và bảo vệ những đặc lợi đặc quyền. Ban
đầu nó xuất hiện như một cơ quan tư sản của giai cấp công nhân. Đặt ra và
duy trì những đặc quyền của thiểu số, lẽ cố nhiên nó tự giành cho nó phần
tốt nhất: kẻ phân phối của cải chẳng bao giờ chịu thiệt. Thành thử do nhu
cầu xã hội đã đẻ ra một cơ quan vượt quá chức năng xã hội cần thiết của
nó, trở thành một nhân tố tự trị và đồng thời là nguồn gốc của những nguy
cơ to lớn cho toàn cơ thể xã hội.
Ý nghĩa của Técmiđo Xô viết bắt đầu đã rõ nét trước mắt chúng ta.
Sự nghèo khổ và thiếu văn hóa của quần chúng, một lần nữa, được cụ thể
hóa dưới những dạng đáng sợ của một vị thủ lĩnh nắm trong tay một cái dùi
cui khỏe. Bị xua đuổi và sỉ nhục xưa kia, chế độ quan liêu từ vị trí là con
đòi của xã hội đã trở thành bà chủ. Về xã hội và tinh thần, nó xa rời quần
chúng đến mức nó không chịu chấp nhận mọi thứ kiểm tra về hành vi và
thu nhập của nó.
Việc bọn quan liêu sợ đứng trước “bọn đầu cơ nhỏ mọn, bọn vô