Leon Trotsky
Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội
Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
- 6 -
SỰ GIA TĂNG BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ MÂU THUẪN XÃ HỘI
Cùng Khổ, Xa Hoa, Đầu Cơ
Năm 1921, sau khi bắt đầu bằng “sự phân phối xã hội chủ nghĩa”, chính
quyền xô viết buộc phải cần đến thị trường. Sự thiếu thốn cùng cực tài
nguyên thời kỳ kế hoạch năm năm lần thứ nhất, một lần nữa, lại dẫn đến sự
phân phối do Nhà Nước hoặc sự trở lại kinh nghiệm “chủ nghĩa cộng sản
thời chiến” trên một qui mô lớn hơn. Chính sách ấy xét ra cũng không đủ.
Năm 1935, hệ thống phân phối theo kế hoạch lại nhường chỗ lần nữa cho
thị trường. Như thế hai lần đều chứng tỏ những phương pháp cốt tử về phân
phối sản phẩm tùy thuộc trình độ kỹ thuật và các tài nguyên vật chất hơn là
tùy thuộc các hình thức sở hữu.
Sự tăng năng suất lao động, đặc biệt nhờ vào cách làm khoán sản
phẩm, hứa hẹn gia tăng số lượng hàng hóa và giảm giá hàng, từ đó nhân
dân có thể sống khá hơn. Như mọi người đều biết, đó mới chỉ là một mặt
của vấn đề người ta nhận thấy dưới chế độ cũ, trong thời kỳ kinh tế phồn
vinh. Các hiện tượng và quá trình xã hội phải được xem xét trong mối
tương quan và phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Sự tăng năng suất lao động
trên cơ sở lưu thông hàng hóa cũng có nghĩa là một sự gia tăng bất bình
đẳng. Sự tăng mức sống của các tầng lớp lãnh đạo bắt đầu vượt hơn mức
sống của quần chúng. Trong khi Nhà Nước giàu lên, người ta thấy trong xã
hội có sự phân hóa.
Nhìn vào đời sống hàng ngày, ngay từ bây giờ, xã hội xô viết chia
thành một thiểu số có đặc lợi đặc quyền, được bảo đảm ngày mai và một đa
số sống vật vờ trong đói khổ. Sự bất bình đẳng đó gây ra hai cực tương