giai tầng (trong xã hội Liên-xô) có thể có những quyền lợi riêng và phản
ánh (biểu lộ?) qua nhiều tổ chức xã hội…”. Lối ngụy biện ấy không hơn gì
những lối ngụy biện khác. Các tổ chức “xã hội” ở Liên-xô - nghiệp đoàn,
hợp tác xã, hội văn hóa – không đại diện cho quyền lợi “các giai tầng xã
hội” bởi vì chúng cùng một cấu trúc tôn ti trật tự như nhau; ngay cả khi có
dáng dấp bề ngoài của những tổ chức quần chúng như các nghiệp đoàn và
hợp tác xã, chỉ có các giới lãnh đạo có đặc quyền mới đóng một vai trò chủ
động trong đó và lời nói quyết định cuối cùng bao giờ cũng thuộc về
“đảng”, tức là tầng lớp quan liêu. Hiến pháp chỉ làm cái việc đẩy cử tri từ
Pôngxơ sang Pilat (Pôngxơ Pilat là viên quan cai trị xứ Guyđê, có liên quan
đến vụ xử chúa Giêxu – N.D.).
Cơ chế này được phát biểu rất chính xác trong văn bản của đạo luật
cơ bản. Điều khoản 126, cái trục của hiến pháp, theo nghĩa chính trị, “bảo
đảm cho công dân quyền” được họp thành các tổ chức xã hội: nghiệp đoàn,
hợp tác xã, đoàn thanh niên thể thao, quốc phòng, văn hóa, kỹ thuật và
khoa học. Còn về phần đảng, đảng tập trung quyền lực trong tay, và đảng
không phải là một công quyền mà là một đặc quyền của thiểu số. “Những
công dân hoạt động nhất và có ý thức nhất (có nghĩa là được nhà cầm
quyền thừa nhận như vậy, L.T.) của giai cấp công nhân và các tầng lớp lao
động khác đoàn kết trong đảng cộng sản… đảng là phương tiện lãnh đạo
của tất cả các tổ chức của người lao động, tổ chức xã hội cũng như Nhà
nước”... Cái công thức thật thà đến kinh ngạc ấy, đưa cả vào văn bản của
hiến pháp, xóa sạch vai trò chính trị hư ảo của các “tổ chức xã hội”, những
chi điếm của của cái công ty quan liêu.
Nhưng nếu không có đấu tranh giữa các đảng, những nhóm khác
nhau của đảng duy nhất có thể biểu lộ được chăng trong các kỳ bầu cử dân
chủ? Trả lời một nhà báo Pháp về những nhóm trong lòng nội bộ đảng cầm
quyền, Môlôtôp nói: “Người ta đã mưu toan hình thành những nhóm trong
đảng, nhưng đã nhiều năm tình hình đã thay đổi căn bản về mặt này và
đảng cộng sản thật sự là thống nhất”. Còn gì chứng minh rõ hơn cho sự phi
lý của các cuộc thanh lọc liên hồi và những trại tập trung! Cơ chế dân chủ
đã thể hiện rõ ràng sau những lời phát biểu của Môlôtôp – Víchto Xécgiơ