khốc liệt giữa hai địch thủ hầu như đẩy chính quyền vượt lên trên dân tộc
và bảo đảm cho những người cầm quyền một tính độc lập bề ngoài đối với
các giai cấp. Nhưng thực tế chỉ cho họ quyền tự do mà họ cần có để bảo vệ
những kẻ có đặc lợi đặc quyền. Vượt lên trên một xã hội bị phân vụn về
chính trị, dựa vào cảnh sát và đội ngũ sĩ quan đứng ngoài mọi sự kiểm soát,
chế độ Stalin thuộc chủng loại chế độ bônapác kiểu mới, không có loại hình
nào tương tự cho đến nay. Chủ nghĩa độc tài quân sự Xêda sinh ra trong
một xã hội dựa trên chế độ nô lệ và bị đảo lộn bởi những cuộc đấu tranh nội
bộ. Chủ nghĩa bônnapác là một trong những công cụ của chế độ tư bản
trong những giai đoạn khủng hoảng của nó. Chủ nghĩa Stalin là một chủng
loại của chế độ trên, nhưng lại dựa trên cơ sở của Nhà nước lao động bị
giằng xé vì mâu thuẫn giữa một bên là tầng lớp quan liêu xô-viết có tổ chức
và được vũ trang, một bên là quần chúng cần lao bị tước vũ khí.
Lịch sử đã làm chứng, chế độ bônapác phối hợp khá tốt với phổ
thông đầu phiếu và cả với bỏ phiếu kín. Việc toàn dân bỏ phiếu là một
trong những biểu hiện dân chủ của nó. Thỉnh thoảng các công dân lại được
mời phát biểu ái mộ hay không ái mộ lãnh tụ, và người bỏ phiếu cảm thấy
trên thái dương hơi lạnh của một nòng súng lục. Từ Napôlêông III, ngày
nay trở thành tay chơi tỉnh lẻ, kỹ thuật bầu cử đã có những cải tiến lạ kỳ.
Hiến pháp Liên-xô mới thiết chế bầu cử toàn dân kiểu bônapác là một
thành công của chế độ.
Cuối cùng chế độ bônapác xô-viết còn do sự chậm trễ của cách
mạng thế giới. Cũng một nguyên nhân ấy gây ra chủ nghĩa phát xít trong
các nước tư bản. Chúng ta đi đến một kết luận, thoạt nhìn có vẻ bất ngờ
nhưng thật ra là chính lý: việc tầng lớp quan liêu bóp nghẹt nền dân chủ xô-
viết và những thất bại giáng vào nền dân chủ các nước khác là do sự chậm
trễ của giai cấp vô sản thế giới thực hiện nhiệm vụ mà lịch sử đã giao phó.
Mặc dù có sự khác nhau sâu sắc về cơ sở xã hội, chủ nghĩa Stalin và chủ
nghĩa phát xít là những hiện tượng đối xứng. Trong khá nhiều nét, chúng
giống nhau như hệt. Một phong trào cách mạng thắng lợi ở châu Âu sẽ làm
lung lay tức khắc chủ nghĩa phát xít và cả chủ nghĩa bônapác xô-viết. Còn
về đẳng cấp quan liêu của Stalin, nó có lý khi nó quay lưng với cách mạng