Trong những điều kiện như thế, tuyệt thực là phương tiện tự bảo vệ
duy nhất còn lại của những người bị hành tội. Ghêpêu đáp lại bằng sự bắt
ăn cưỡng bức, nếu họ không để cho tù nhân được tự do chết. Hàng trăm
nhà cách mạng Nga và nước ngoài trong những năm gần đây, bị đẩy tới
những cuộc tuyệt thực nguy hiểm, bị xử bắn hoặc bị dồn tới chỗ tự sát.
Trong mười hai năm, chính phủ nhiều lần tuyên bố đã tỉa sạch phái đối lập.
Nhưng trong cuộc “thanh trừng” cuối năm 1935 và nửa năm đầu 1936,
hàng chục vạn đảng viên lại bị khai trừ khỏi đảng, trong số đó vài vạn là
“trốtkit”. Những người hoạt động nhất bị bắt liền cho vào nhà tù hoặc trại
tập trung. Đối với những người khác, Stalin ra lệnh cho các chính quyền
địa phương, xuyên qua tờ Sự Thật, không cấp cho họ công ăn việc làm.
Trong một nước mà Nhà nước là ông chủ duy nhất, một biện pháp như vậy
có khác gì một bản kết tội phải chết đói. Nguyên lý cũ: “Ai không làm
không ăn” được thay bằng “Ai không đầu hàng không ăn”. Biết bao nhiêu
người bônsêvích bị khai trừ, bắt bớ, tù đày, tiêu diệt kể từ năm 1923, năm
mở đầu kỷ nguyên bônapác, chúng ta chỉ sẽ được biết khi mở các văn kiện
lưu trữ của công an mật vụ của Stalin
. Còn bao nhiêu vụ khác nữa nằm
trong vòng bất hợp pháp, chúng ta sẽ chỉ biết ngày mà chế độ quan liêu bắt
đầu sụp đổ.
Hai hoặc ba vạn người đối lập trong một đảng có hai triệu đảng viên
thì có quan trọng gì? Về điểm này, sự đối chiếu giản đơn giữa các con số
không có nghĩa. Chỉ cần một chục người cách mạng trong một trung đoàn
có thể chuyển nó về phía nhân dân, trong bầu không khí sôi động. Không
phải là không lý do khi các bộ tham mưu sợ đến khiếp đảm những nhóm
nhỏ bí mật và cả những chiến sĩ riêng lẻ. Sự sợ hãi đó nó làm rung chuyển
phái quan liêu tay chân của Stalin, giải thích sự tàn bạo của những việc tù
đày, phát vãng và sự hèn hạ trong các lời vu khống của họ.
Vichto Xécgiơ (Victor Serge) từng chứng kiến ở Liên Xô tất cả các
giai đoạn của sự đàn áp, đã mang về phương Tây bức thông điệp kinh
khủng của những người bị tra tấn vì trung thành với cách mạng và chống
lại bọn đao phủ thủ của họ. Ông viết:
“Tôi không thêm thắt gì cả, tôi cân nhắc từng chữ, tôi muốn viết