Leon Trotsky
Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội
Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
PHỤ LỤC
1 - “Chủ Nghĩa Xã Hội Riêng Trong Một Nước”
Chủ Nghĩa Bônapác, Khủng Hoảng Chế Độ
Những khuynh hướng phản động tự cấp tự túc là một phản xạ tự vệ của
chủ nghĩa tư bản già cỗi trước bài toán do lịch sử đặt ra là giải thoát nền
kinh tế khỏi những giây trói của chế độ tư hữu và Nhà nước quốc gia và tổ
chức nó theo một kế hoạch toàn bộ, trên toàn thế giới.
“Bản tuyên ngôn các quyền của nhân dân lao động và nhân dân bị
bóc lột” do Lênin thảo và Hội đồng dân ủy đưa ra Quốc hội lập hiến phê
chuẩn, trong những ngày giờ tồn tại ngắn ngủi của Quốc hội này, xác định
“mục tiêu chủ yếu” của chế độ mới bằng những lời lẽ như sau: “thiết lập
một xã hội xã hội chủ nghĩa và tranh đấu cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội
trong tất cả các nước”. Như vậy, chủ nghĩa quốc tế cách mạng đã được
tuyên bố trong một tài liệu cơ bản của chế độ mới. Lúc đó, không ai dám
đặt vấn đề một cách nào khác. Tháng tư 1924, ba tháng sau khi Lênin mất,
Stalin còn viết trong bài sưu tập của mình về nhữngcơ sở của chủ nghĩa
Lênin: “Chỉ cần những cố gắng của một nước là lật đổ được giai cấp tư sản,
lịch sử cuộc cách mạng của chúng ta đã dạy cho biết như thế. Để giành
thắng lợi hoàn toàn cho chủ nghĩa xã hội, để tổ chức nền sản xuất xã hội
chủ nghĩa, những cố gắng của một nước riêng lẻ, nhất là một nước nông
nghiệp như nước chúng ta không đủ; cần phải có những cố gắng hợp lại của
vô sản nhiều nước tiên tiến”. Những dòng viết này không cần phải bình
luận. Nhưng bản in có những dòng này đã không được lưu hành nữa.
Những thất bại lớn của giai cấp vô sản châu Âu và những thành công đầu
tiên, tuy còn nhỏ bé, của kinh tế xô viết gợi cho Stalin, mùa thu 1924, ý