cũng bao hàm những công nghiệp khác. Cho nên tất cả những ước tính tổng
quát bằng rúp chỉ có một giá trị tương đối: người ta không biết đồng rúp là
gì và người ta không bao giờ biết cái gì nấp sau nó, sự làm ra hay phá đi
quá sớm một cỗ máy. Nếu tính bằng rúp “ổn định,” tổng sản xuất công
nghiệp nặng đã tăng sáu lần so với nó trước chiến tranh. Sự khai thác dầu
lửa và than đá cũng như sản xuất gang tính bằng tấn chỉ mới nhân lên với
ba hay ba rưỡi. Nguyên nhân chính của sự không hài hòa là công nghiệp xô
viết đã tạo ra những ngành mới, nước Nga thời Sa hoàng chưa từng biết.
Nhưng cần nhìn rõ một nguyên nhân phụ là sự thao tác có ý đồ trong các
bản thống kê. Ta biết rằng bộ máy quan liêu nào cũng đều nhận thấy nhu
cầu hữu cơ là phải tô vẽ thực tế.
Tính Theo Đầu Dân
Năng suất lao động trung bình cá nhân còn rất thấp ở Liên xô. Theo
lời thú nhận của giám đốc nhà máy luyện kim hạng nhất sản xuất gang và
thép tính theo đầu thợ, ba lần thấp hơn năng suất trung bình ấy ở Mỹ. Sự so
sánh trung bình giữa hai nước chắc sẽ cho những tỉ lệ từ một đến năm, hoặc
thấp hơn nữa. Trong điều kiện ấy, sự khẳng định các lò luyện kim ở Liên xô
được sử dụng “tốt hơn” các nước tư bản, lúc này là vô nghĩa; kỹ thuật
không có mục tiêu nào khác hơn là tiết kiệm sức lao động của con người.
Trong công nghiệp rừng và xây dựng, tình trạng lại còn xấu hơn trong
ngành luyện kim. Tính đầu thợ khai thác sản xuất ở Mỹ là 5000 tấn một
năm và ở Liên xô 500 tấn, tức là mười lần kém hơn. Sự khác nhau quá đáng
được giải thích bằng sự kém tổ chức lao động hơn là sự kém đào tạo nghề
nghiệp của thợ. Tầng lớp quan liêu ra sức đốc thúc thợ nhưng không biết sử
dụng đúng đắn nhân công. Và lẽ tự nhiên, nông nghiệp lại còn không may
hơn về mặt đó. Năng suất lao động thấp thì thu nhập quốc dân cũng thấp và
từ đó, mức sinh hoạt của quần chúng nhân dân cũng thấp.
Khi người ta nói với chúng tôi Liên xô năm 1936 sẽ đứng đầu ở
châu Âu về sản xuất công nghiệp - thành công to lớn tự bản thân nó - người
ta không chú ý đến không những chất lượng và giá thành, mà cả con số
dân. Thế nhưng trình độ phát triển chung trong nước và đặc biệt, điều kiện