hoang phí ấy là đáng ghét, mà là ở chỗ muốn được quyền hoang phí, giai
cấp tư sản phải nắm quyền tư hữu các phương tiện sản xuất và như thế họ
buộc kinh tế phải đến chỗ hỗn loạn và phân hủy. Lẽ dĩ nhiên họ nắm giữ
độc quyền tiêu thụ hàng xa xỉ. Nhưng giai cấp cần lao lại là đám người
đông nhất trong việc tiêu thụ những hàng thông dụng thiết yếu. Chúng ta sẽ
thấy trong đoạn sau rằng nếu ở Liên xô không có những giai cấp hữu sản
theo nghĩa đen của nó thì lại có một tầng lớp lãnh đạo có đặc quyền đặc lợi
cao, chiếm lấy phần của chúa sơn lâm trong việc tiêu thụ. Và nếu Liên xô
sản xuất ít hơn những hàng thiết yếu bậc nhất tính theo đầu người so với
các nước tư bản tiên tiến, điều đó có nghĩa là điều kiện vật chất của quần
chúng ở đây còn thấp hơn mức đã có ở các nước tư bản.
Trách nhiệm lịch sử của tình trạng ấy dĩ nhiên là cái quá khứ nặng
nề và đen tối của nước Nga và tất cả những cái gì là khốn cùng, dốt nát nó
đã để lại cho chúng ta. Không có lối thoát nào đi lên tiến bộ ngoài sự lật đổ
chủ nghĩa tư bản. Để tin chắc điều đó chỉ cần nhìn qua các nước ven bờ
Ban tích và nước Ba lan xưa kia là những khu vực mở mang nhất của đế
quốc và nay không ra khỏi sự trì trệ, đình đốn. Công lao bất hủ của chế độ
xô viết là cuộc đấu tranh rất gay go gian khổ và thường thường có hiệu quả
chống một tình trạng man rợ đã hàng thế kỷ. Nhưng sự đánh giá đúng đắn
các kết quả là điều kiện đầu tiên của sự tiến bộ sau này.
Dưới mắt chúng ta, chế độ xô viết đang qua một giai đoạn chuẩn bị
trong đó nó du nhập, tiếp thu, vay mượn những thành quả kỹ thuật và văn
hóa của phương Tây. Những hệ số liên quan đến sản xuất và tiêu thụ chứng
tỏ giai đoạn chuẩn bị ấy còn lâu mới kết thúc, dù trong một giả thuyết
không chắc lắm về một sự đình đốn hoàn toàn của chủ nghĩa tư bản, giai
đoạn này vẫn còn phải kéo dài cả một thời kỳ lịch sử. Đó là kết luận thứ
nhất, cực kỳ quan trọng, chúng tôi đã đi đến và chúng tôi sẽ còn trở lại
trong quá trình của việc nghiên cứu này.