vực sản xuất. Nói cách khác, họ nghĩ có thể từ từ, không thay đổi hệ thống,
chuyển từ chế độ cộng sản thời chiến sang chủ nghĩa cộng sản thực sự.
Chương trình đảng bônsêvich được thông qua năm 1919 nói: “Trong lĩnh
vực phân phối, chính quyền xô viết kiên trì thay thế sự buôn bán bằng sự
phân phối sản phẩm tổ chức theo qui mô quốc gia, trên kế hoạch của tổng
thể.”
Nhưng sự xung đột ngày càng gay gắt giữa thực tiễn và chương
trình của chủ nghĩa cộng sản thời chiến: sản xuất không ngừng đi xuống,
không chỉ do hậu quả của chiến tranh mà còn do thiếu sự kích thích của lợi
ích cá nhân đối với người sản xuất. Thành phố đòi hỏi nông thôn lúa mì và
nguyên liệu, không đổi lại cho họ gì hơn những tờ giấy in màu có tô vẽ mà
theo thói quen từ cổ lai vẫn gọi là giấy bạc. Người mugích (nông dân) đem
chôn những dự trữ của mình. Chính phủ phải phái từng đội công nhân vũ
trang đi sục lúa. Người mugích gieo ít đi. Sản xuất công nghiệp năm 1921,
năm tiếp liền sau cuộc nội chiến, nơi cao nhất chỉ bằng một phần năm trước
chiến tranh. Sản xuất thép rơi từ 4.200.000 tấn xuống 183.000 tấn, tức là
hai mươi ba lần kém hơn. Tổng thu hoạch mùa màng rơi từ 801 triệu tạ
xuống 503 năm 1922. Đói kinh khủng. Ngoại thương trượt từ 2.900 triệu
rúp xuống 30 triệu. Sự phá hoại các lực lượng sản xuất vượt tất cả những
lần mà lịch sử từng biết. Đất nước cùng với chính quyền, đứng trên bờ vực
thẳm.
Những hy vọng hão huyền của chủ nghĩa cộng sản thời chiến sau đó
được đưa ra phê phán cực kỳ nghiêm khắc và đúng đắn, về rất nhiều mặt.
Sai lầm về lý luận của đảng cầm quyền hoàn toàn không hiểu được nếu
người ta quên rằng hồi đó mọi tính toán đều dựa vào sự trông chờ một cuộc
thắng lợi tương lai của cách mạng ở phương Tây. Về vấn đề thực phẩm và
nguyên liệu, người ta coi như một điều tất nhiên giai cấp vô sản Đức, khi
thắng lợi, sẽ tiếp tế cho nước Nga xô viết máy, hàng công nghiệp và còn
cung cấp cho hàng vạn công nhân tay nghề cao, kỹ thuật viên và cán bộ tổ
chức. Chắc chắn, nếu cách mạng thắng ở Đức - chỉ có đảng xã hội-dân chủ
mới làm cản trở thắng lợi đó - sự phát triển kinh tế của Liên xô và cả của
Đức, sẽ đi những bước khổng lồ, khiến cho số phận của châu Âu và thế giới