chiến tranh ba năm vừa xảy ra ở đó.”
Đối với hai mươi lăm triệu hộ nông dân lẻ loi, ích kỷ, hôm qua đây
còn là động lực duy nhất của nông nghiệp - yếu như con ngựa già của anh
mugích, nhưng vẫn là động lực - bộ máy quan liêu mưu toan ngay một lúc
thay họ bằng sự điều hành của hai mươi vạn ban quản trị nông trường tập
thể, thiếu phương tiện kỹ thuật, thiếu kiến thức nông học và thiếu sự ủng hộ
của nông dân. Những hậu quả phá hoại của chính sách phiêu lưu này chẳng
mấy chốc đã lộ rõ và kéo dài hàng năm. Tổng thu hoạch ngũ cốc năm 1930
đã đạt 835 triệu tạ, hai năm sau tụt xuống dưới 700 triệu. Hiệu số ấy, tự bản
thân nó, chưa phải là một tai họa, nhưng nó biểu thị sự thất thiệt lượng lúa
mì cần thiết cho các đô thị, trước khi các đô thị này làm quen với những
khẩu phần chết đói. Việc trồng cây công nghiệp lại còn tệ hơn. Trước khi
tập thể hóa, sản lượng đường đạt gần 109 triệu pút để rồi hai năm sau, giữa
cao trào tập thể hoá, do thiếu củ cải đường, tụt xuống 48 triệu pút, vị chi
chưa bằng một nửa. Nhưng cơn bão tai hại nặng nề nhất chuyển qua việc
chăn nuôi ở nông thôn. Số ngựa tụt 55%, từ 34,6 triệu con năm 1926 xuống
15,6 triệu con năm 1934, gia súc có sừng tụt từ 30,7 triệu xuống 19,5, vị chi
40%; lợn 55%, cừu 66%. Tổn thất về người - vì đói, rét, dịch bệnh và
khủng bố đàn áp - khốn thay không được ghi chính xác như sự thất thiệt về
gia súc; nhưng con số phải đến hàng triệu. Trách nhiệm không phải ở chỗ
tập thể hóa mà ở những phương pháp mù quáng, liều lĩnh và bạo ngược
người ta đem áp dụng. Bộ máy quan liêu chẳng dự kiến được gì trước.
Ngay cả đến điều lệ của nông trường tập thể đặt mối liên hệ giữa quyền lợi
cá nhân của người nông dân với quyền lợi của tập thể cũng mãi sau khi
nông thôn đã bị tàn phá ghê gớm mới được công bố.
Sự áp dụng vội vàng đường lối chính trị mới ấy là do sự cần thiết
thoát khỏi mau chóng những hậu quả của đường lối từ 1923-28. Tuy nhiên
việc tập thể hóa phải và có thể đi theo một bước đi hợp lý hơn, với những
hình thức tính toán kỹ hơn. Làm chủ chính quyền và nắm trong tay công
nghiệp, bộ máy quan liêu đáng lẽ phải điều chỉnh được việc tập thể hóa,
không để đất nước nằm trên miệng vực thẳm. Người ta cần phải và có thể
chọn một bước đi phù hợp hơn với khả năng vật chất và tinh thần của đất