thích sự phát triển của chế độ quan liêu bằng sự thiếu kinh nghiệm hành
chính của quần chúng và những khó khăn do chiến tranh gây ra, chương
trình của đảng đề ra những phương sách thuần túy chính trị để vượt khỏi
những “biến dạng quan liêu”: bầu ra và bãi miễn bất cứ lúc nào đối với
những người được ủy nhiệm, xóa bỏ những ưu đãi vật chất, kiểm tra hiệu
lực của quần chúng. Người ta nghĩ rằng, bằng cách đó, người viên chức sẽ
thôi không là ông xếp (thủ trưởng) để trở thành cán bộ chuyên môn bình
thường, vả lại cũng chỉ là tạm thời, còn Nhà nước thì cứ từ từ, lẳng lặng rút
khỏi sân khấu chính trị.
Cách đánh giá rõ ràng thấp những khó khăn sắp tới là do chương
trình hoàn toàn dựa vào triển vọng của tình hình quốc tế. “Cách mạng
Tháng mười đã thiết lập chuyên chính vô sản ở Nga… Kỷ nguyên cách
mạng vô sản của cộng sản toàn thế giới đã mở đầu”. Đó là những dòng đầu
của chương trình. Các tác giả của tư liệu này (tức chương trình) không đặt
cho mình mục đích duy nhất xây dựng “chủ nghĩa xã hội thành công trong
riêng một nước” – ý nghĩa này không đến với ai cả, càng không đến với
Stalin – và họ cũng không tự hỏi Nhà nước Xô viết sẽ có tính chất nào nếu
nó phải một mình, trong hai mươi năm, thực hiện những nhiệm vụ kinh tế
và văn hóa đã được hoàn thành từ lâu trong các nước tư bản tiên tiến.
Cuộc khủng hoảng cách mạng sau chiến tranh rủi thay lại không
đem thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu: đảng xã hội dân chủ đã cứu
sống giai cấp tư sản. Giai đoạn mà Lênin và các đồng chí chiến hữu của
ông coi như là một cuộc “hưu chiến” ngắn đã trở thành cả một thời kỳ lịch
sử kéo dài. Cấu trúc xã hội chứa đựng sự mâu thuẫn của Liên xô và tính
chất siêu quan liêu của Nhà nước Xô viết là những hậu quả trực tiếp của cái
“khó khăn” lịch sử đặc biệt và bất ngờ ấy, đồng thời khó khăn ấy cũng đưa
các nước tư bản đến chủ nghĩa phát xít hoặc trào lưu phản động tiền phát
xít.
Nếu sự cố gắng ban đầu – xây dựng một Nhà nước cởi bỏ được nạn
quan liêu – trước hết vấp phải sự thiếu kinh nghiệm của quần chúng trong
việc tự quản, sự thiếu những người lao động lành nghề tận tụy với chủ
nghĩa xã hội v.v…, những khó khăn khác cũng chẳng mấy chốc bộc lộ ra.