tháng 11-1935 rơi xuống 3 phờrăng, tức là không bằng một phần tư, gần
bằng mức đồng phờrăng Pháp sau chiến tranh. Hai cách định giá, cũ và
mới, đều có tính cách ước lệ: Sức mua của đồng rúp, đối chiếu với giá hàng
thế giới có lẽ không đạt 1 phờrăng 50. Nhưng tầm quan trọng của sự mất
giá đã chỉ rõ đồng tiền xô-viết đã trượt giá đến chóng mặt cho đến 1934.
Giữa cao điểm của thời phiêu lưu kinh tế, Stalin hứa sẽ “tống cổ”
chính sách Tân kinh tế, tức là thị trường. Cũng như vào năm 1918, tất cả
báo chí thi nhau nói về sự thay đổi hoàn toàn công thức bán mua bằng một
“sự phân phối xã hội chủ nghĩa trực tiếp” mà quyển sổ lương thực là dấu
hiệu bên ngoài. Lạm phát bị kiên quyết phủ nhận như một hiện tượng, nói
chung, xa lạ đối với chế độ xô-viết. Tháng giêng năm 1935, Stalin nói
“Tính ổn định của tiền tệ xô-viết trước hết được bảo đảm do khối lượng to
lớn hàng hóa mà Nhà nước có và cho lưu hành theo giá đã định”. Dù rằng
câu châm ngôn bí hiểm ấy không được phát triển và bình luận (và một phần
cũng bởi vì thế), nó trở thành qui luật cơ bản của lý thuyết tiền tệ xô-viết,
nói đúng hơn, của sự phủ định lạm phát. Đồng hắc mạch từ nay không còn
là một lượng tương đương chung, nó chỉ là một cái bóng chung chung của
một khối lượng “to lớn” hàng hóa, điều đó cho phép nó dài ra hay rụt lại
như mọi cái bóng khác. Nếu cái học thuyết xoa dịu ấy có một ý nghĩa thì
chỉ là: đồng tiền xô-viết không còn là đồng tiền nữa, nó không còn là một
thước đo giá trị nữa; các “giá ổn định” là do chính phủ định đoạt; đồng hắc
mạch chỉ còn là dấu hiệu ước lệ của nền kinh tế kế hoạch hóa, một thứ thẻ
phân phối chung; nói tóm lại, chủ nghĩa xã hội đã thắng “vĩnh viễn và
không quay trở lại”.
Những tư tưởng không tưởng nhất của chủ nghĩa cộng sản thời
chiến lại xuất hiện trên một cơ sở kinh tế mới, đúng là có cao hơn một ít,
nhưng, hỡi ôi! vẫn hoàn toàn chưa đủ để loại trừ được tiền bạc. Trong các
giới lãnh đạo, người ta nói lạm phát không đáng sợ nữa trong một nền kinh
tế có kế hoạch hóa. Gần giống như nói một lỗ hổng để lọt nước vào khoang
tàu không nguy hiểm khi người ta có địa bàn. Thực tế, lạm phát giấy bạc
không tránh khỏi dẫn đến lạm phát tín dụng, thay thế những giá trị thực
bằng giá trị ảo và nuốt ngấu nghiến từ bên trong nền kinh tế kế hoạch hóa.