này cao hơn. Chắc chắn là nền văn hóa của bọn tư sản và quan liêu Nga còn
bần cùng lắm. Nhưng, than ôi! Các tầng lớp lãnh đạo mới đã phải nhường
bước trước nền văn hóa ấy. “Bốn nghìn bảy trăm người cộng sản phụ trách
điều khiển bộ máy chính phủ ở Matxcơva. Ai điều khiển và ai bị điều
khiển? Tôi ngờ lắm nếu nói là người cộng sản điều khiển…” Từ đó, Lênin
không còn dịp phát biểu trong các đại hội của đảng nữa. Nhưng trong
những tháng cuối đời mình, tất cả tư tưởng của Lênin hướng về phía cần
thiết phải đề phòng và vũ trang cho công nhân chống áp bức, độc đoán và
sự hủ hóa của tầng lớp quan liêu. Nhưng Lênin chỉ mới quan sát những
triệu chứng đầu tiên của căn bệnh đó.
Cơritchian Racôpski (Christian Rakovsky), cựu chủ tịch Hội đồng
dân ủy nhân dân Ucơraina (Ukraine), sau này là đại sứ Xô viết ở Luân Đôn
và Pari, bị đi đày, năm 1928 gửi cho bạn bè một bài nghiên cứu ngắn về chế
độ quan liêu mà chúng tôi đã viện dẫn vài dòng ở trên, bởi vì bài này là bài
viết tốt nhất về vấn đề này
. Racôpski viết: “Trong tinh thần của Lênin
và của tất cả chúng ta, mục tiêu của sự lãnh đạo của đảng chính là phòng
ngừa cho đảng và giai cấp công nhân khỏi bị tan rã vì bởi các đặc quyền,
lợi lộc, ân huệ là đặc thù của quyền lực, phòng ngừa mọi sự tiếp cận với
những tàn dư của quý tộc cũ và giai cấp tiểu tư sản cũ, phòng ngừa ảnh
hưởng làm bại hoại tinh thần, do chính sách Tân kinh tế, sức quyến rũ của
các tập tục tư bản và ý thức hệ của chúng… Phải nói thẳng thắn, minh
bạch, thật to rằng nhiệm vụ đó, các cơ quan của đảng không làm tròn, trong
hai vai trò phòng ngừa và giáo dục, đảng đã tỏ ra bất lực hoàn toàn, đã phá
sản, đã làm sai nhiệm vụ…”
Đúng là Racôpski sau này bị phái quan liêu đàn áp đánh gục, đã phủ
nhận những lời phê phán của mình. Nhưng trong gọng kìm của tòa án Giáo
hội, ông già bảy mươi Galilê (Galilée) buộc phải từ bỏ hệ thống Cơpecnich
(Copernic), điều đó không ngăn cản được trái đất vẫn quay. Chúng ta
không tin ở lời tự phủ nhận của ông già sáu mươi Racôpski bởi vì chính
ông đã nhiều lần phân tích thẳng thừng những lời phủ nhận cùng loại. Lời
phê phán chính trị của ông đã tìm thấy ở các sự kiện khách quan một nền
móng vững chắc hơn là tính kiên định chủ quan của ông.