CUỘC CÁCH MẠNG BỊ PHẢN BỘI - Trang 99

Việc nắm được chính quyền không chỉ thay đổi thái độ của giai cấp
vô sản đối với các giai cấp khác, nó thay đổi cả cấu trúc bên trong của nó.
Việc thi hành quyền lực trở thành công việc chuyên môn của một đẳng cấp
xã hội nhất định, càng có ý thức cao hơn về sứ mệnh của mình, càng nóng
lòng muốn giải quyết dứt khoát “vấn đề xã hội” của mình. “Trong Nhà
nước vô sản, các đảng viên của đảng lãnh đạo không được phép tích lũy tư
bản, sự phân biệt lúc đầu chỉ là chức vụ, rồi nó trở thành có tính chất xã
hội. Tôi không nói nó trở thành phân hóa giai cấp, tôi nói nó trở thành phân
hóa xã hội…” Racôpski giải thích: “Vị trí xã hội của một người cộng sản
được sử dụng ô tô, nhà đẹp, nghỉ phép đều đặn và được lĩnh lương cao nhất
do đảng định ra, khác với vị trí của người cộng sản làm trong hầm mỏ than,
kiếm được 50 đến 60 rúp một tháng.”
Nêu lên những nguyên nhân suy thoái của những người Giacôbanh
cầm quyền, sự làm giàu, sự cung cấp của Nhà nước.v.v… Racôpski nhắc lại
một nhận xét thú vị của Babơp về vai trò trong sự biến đổi đó của các bà
quý tộc rất được những người Giacôbanh săn đón. Babơp kêu lên: “Các
ngài làm gì thế, hỡi các ngài bình dân thấp hèn kia? Hôm nay các bà ấy ôm
các ngài, ngày mai các bà ấy cắt họng các ngài đấy…” Nhìn bản thống kê
các bà vợ các lãnh tụ ở Liên xô, ta sẽ thấy một bức tranh tương tự.
Xôtnôpski (Sosnovky), nhà báo Xô viết nổi tiếng, chỉ ra vai trò “nhân tố
gara-ôtô” (gara: nhà để xe) trong sự hình thành chế độ quan liêu. Đúng là
cùng với Racôpski, Xôtnôpski đã hối lỗi và từ Xibêri được tha trở về. Lề
thói của bọn quan liêu không vì thế mà cải tiến. Trái lại, sự hối cải của một
Xôtnôpski chứng tỏ bước tiến của sự bại hoại tinh thần, đạo đức.
Những bài báo cũ viết tay của Xôtnôpski vừa mới thảo ra đã được
chuyền từ tay này sang tay khác, đúng là chứa đựng những tình tiết bất hủ
của đời sống các lãnh tụ mới, chứng tỏ kẻ chiến thắng đã tiếp thu lối sống
của kẻ chiến bại đến mức độ nào. Không trở lại với những năm tháng đã
qua – năm 1934, Xôtnôpski cuối cùng đã đổi ngọn roi lấy cây đàn lia (từ
phê bình sang ca ngợi) – chúng ta hãy dừng ở những thí dụ gần đây mượn
trong báo chí Xô viết, không chọn những cái “thái quá” mà những sự việc
bình thường, được dư luận khắp nơi thừa nhận.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.