chúng ta về cách thức phân loại này. Chúng ta giả định trước rằng những
người khác phân loại sự vật này giống hay khác sự vật khác theo cùng cách
thức như của chúng ta mặc dù không có kiểm nghiệm khách quan, không
có tri thức về các mối quan hệ giữa những sự vật này với những bộ phận
khác của thế giới bên ngoài chứng thực điều này. Phương pháp tiếp cận của
chúng ta được dựa trên cái kinh nghiệm rằng những người khác, theo lẽ
thường, phân loại các ấn tượng cảm giác của họ giống như chúng ta tiến
hành (mặc dù không phải luôn như vậy - ví dụ, nếu họ không mù màu hay
điên khùng).
Nhưng chúng ta không chỉ biết có điều này thôi. Chắc chắn chúng ta sẽ
không thể giải thích hay hiểu được hành động con người nếu như không sử
dụng loại tri thức này. Mọi người trong cộng đồng có cùng kiểu hành vi đối
với các sự vật, không phải bởi vì những sự vật đó giống nhau về mặt vật lí,
mà bởi vì họ đã học được cách phân loại chúng vào cùng loại nhóm, bởi vì
họ có thể sử dụng chúng theo cùng một cách thức hay mong đợi từ chúng
cái điều mà đối với cộng đồng sẽ là một kết quả tương đương. Trên thực tế,
hầu hết các đối tượng của hành động xã hội hay con người không phải là
các “sự thật khách quan” theo nghĩa đặc biệt hẹp vốn được sử dụng trong
các ngành Khoa-Học, những thứ đối nghịch với các “ý kiến”, và chúng
cũng không thể nào được định nghĩa dưới các góc độ thuần túy vật lí.
Chừng nào chúng ta còn quan tâm tới các hành động con người, thì các sự
vật là những thứ mà những người đang hành động nghĩ rằng chúng là như
thế.
Tốt nhất chúng ta minh họa điều này qua một ví dụ - một đối tượng bất
kì nào đó của hành động con người. Hãy xem xét một khái niệm, chẳng hạn
khái niệm “dụng cụ” hay “công cụ”, hay về bất kì một dụng cụ cụ thể nào,
chẳng hạn một cái búa hay một cái phong vũ biểu. Dễ thấy là những khái
niệm này không thể diễn giải được dưới dạng “các sự thật khách quan”,
nghĩa là thành các thứ không liên quan gì tới điều mà mọi người hình dung
về chúng. Phân tích logic cẩn thận những khái niệm này sẽ thấy là tất cả
chúng biểu tả các mối quan hệ giữa những thành phần khác nhau (ít nhất là