Để làm sáng tỏ sự khác biệt giữa phương pháp nghiên cứu của lĩnh vực
khoa học tự nhiên và của lĩnh vực khoa học xã hội tốt nhất nên gọi cách
tiếp cận của nhóm đầu là “khách quan” còn của nhóm sau là “chủ quan”.
Dù thế các thuật ngữ này vẫn còn khá mơ hồ và có thể gây ra nhầm lẫn nếu
không được làm rõ thêm. Trong khi đối với nhà khoa học tự nhiên, thì sự
đối lập giữa các sự thật khách quan và các ý kiến chủ quan trở nên quá rõ
ràng, thì điều này lại không phải là như vậy đối với đối tượng nghiên cứu
của các ngành khoa học xã hội. Lí do của điều này là đối tượng hoặc “sự
thật” của các ngành khoa học xã hội cũng chính là các ý kiến - tất nhiên
không phải là các ý kiến của người nghiên cứu các hiện tượng xã hội mà là
ý kiến của những người có hành động hình thành nên đối tượng nghiên cứu
của nhà khoa học xã hội. Do vậy, một mặt các sự thật của nhà khoa học xã
hội có ít tính “chủ quan” giống như các sự thật của các ngành khoa học tự
nhiên, bởi vì chúng độc lập đối với nhà nghiên cứu; đối tượng mà anh ta
nghiên cứu không do sự võ đoán hay sự tưởng tượng của anh nặn ra mà là
đã có sẵn để cho những người khác nhau quan sát. Nhưng mặt khác khi
chúng ta phân biệt giữa sự thật và ý kiến thì các sự thật của các ngành khoa
học xã hội thuần túy chỉ là các ý kiến, quan điểm của những người gây ra
các hành động mà chúng ta nghiên cứu. Chúng khác với sự thật của các
nhóm ngành vật lí vì chúng là niềm tin hay ý kiến của những con người cụ
thể; những niềm tin như thế là dữ liệu của chúng ta, bất kể việc chúng đúng
hay sai, và hơn thế nữa chúng là cái ở bên trong tâm trí của những người đó
và chúng ta không thể nào quan sát trực tiếp được, nhưng chúng ta lại có
thể nhận biết và diễn tả được hành động của họ đơn giản là vì bản thân
chúng ta cũng có một tâm trí tương tự họ.
Việc chúng ta đối nghịch giữa phương pháp theo chủ quan luận trong
nhóm ngành khoa học xã hội và phương pháp theo khách quan luận trong
nhóm ngành khoa học tự nhiên chỉ nhằm mục đích cho thấy nhóm ngành
đầu tiên trên hết giải quyết các hiện tượng liên quan đến tâm trí cá nhân,
hay các hiện tượng về tâm trí (mental phenomena), và không liên quan trực
tiếp tới các hiện tượng vật chất. Các hiện tượng mà nhóm ngành này xem