Không có cái gọi là khả năng sản xuất của xã hội dưới dạng trừu tượng -
tách rời khỏi các dạng thức tổ chức xã hội cụ thể. Chỉ có một dữ kiện mà
chúng ta có thể coi là có sẵn, đó là có những con người cụ thể sở hữu
những lượng tri thức trực quan nhất định về cách thức sử dụng những thứ
cụ thể để đạt được các mục đích cụ thể. Thứ tri thức này chưa khi nào tồn
tại dưới dạng một tổng thể hợp nhất hay trong một bộ óc đơn lẻ, và loại
kiến thức duy nhất mà chúng ta có thể nói rằng tồn tại theo bất kì nghĩa nào
là những quan điểm riêng rẽ, thường không nhất quán, và thậm chí đối
nghịch nhau, do những người khác nhau sở hữu.
Những nhận định thường xuyên được đưa ra về các nhu cầu khách quan
của một cộng đồng nào đó mang cùng bản chất; ở đây nhu cầu khách quan
đơn thuần chỉ là một cái tên mà một ai đó gán cho cái mà cộng đồng buộc
phải mong muốn. Chúng ta sẽ gặp lại các biến tướng của luận thuyết khách
quan này ở chương cuối của phần này khi xem xét chủ nghĩa duy khoa học
cận cảnh hơn về các ảnh hưởng của nhãn quan tiêu biểu của tầng lớp kĩ sư,
các quan niệm về “tính hiệu quả” của họ trở thành một trong những nhân tố
có sức mạnh nhất khiến cho luận thuyết khách quan này tác động đến các
quan niệm hiện tại về các vấn đề xã hội.