định là có hành vi tuân theo các quy tắc đơn giản hơn và tổng quát hơn. Do
vậy, họ cũng có khuynh hướng tìm kiếm một cách tương tự trong lĩnh vực
xã hội, tức là tìm kiếm các thường hiện thực nghiệm trong hành vi của các
phức thể trước khi cảm thấy rằng cần phải có một giải thích lí thuyết. Thêm
nữa, từ kinh nghiệm rằng có rất ít các thường hiện trong hành vi của các cá
nhân mà chúng ta có thể tạo dựng được theo một cách thức thực sự khách
quan, họ càng quay sang các tổng thể với hi vọng sẽ tìm ra các thường hiện.
Cuối cùng là một ý tưởng còn mù mờ hơn nữa. Đó là: do “các hiện tượng
xã hội” là đối tượng nghiên cứu, nên hiển nhiên một quy trình phải khởi
đầu từ việc quan sát trực tiếp “các hiện tượng xã hội” này; ở đây sự tồn tại
của các thuật ngữ thông dụng như xã hội hay nền kinh tế được xem là các
bằng chứng rằng phải có những “khách thể” nhất định nào đó tương ứng
với các thuật ngữ đó. Việc trong thực tế tất cả mọi người đều nói về quốc
gia hay chủ nghĩa tư bản dẫn đến thứ niềm tin là: bước đầu tiên trong việc
nghiên cứu các hiện tượng này là phải đi quan sát xem chúng như thế nào,
giống như việc chúng ta cần phải đi quan sát khi nghe ai đó nói về một hòn
đá hay loài vật cụ thể nào đó
Sai lầm của hướng tiếp cận theo tập thể luận là ở chỗ nó lầm lẫn khi đánh
đồng các sự thật với những thứ chẳng qua chỉ là các lí thuyết nhất thời - các
mô hình được hình thành trong tâm trí đại chúng để giải thích mối quan hệ
giữa một số các hiện tượng cá thể với nhau mà chúng ta quan sát được. Tuy
nhiên, như chúng ta đã biết, điều nghịch lí ở đây là những người bị dẫn dắt
bởi định kiến duy khoa học và, do vậy, tiếp cận các hiện tượng xã hội theo
cách thức này với mong muốn tránh mọi yếu tố thuần túy chủ quan thông
qua việc tự gò mình vào “các sự thật khách quan”, sẽ mắc phải sai lầm mà
họ đã cố gắng tránh, đó là: xem những thứ vốn chẳng qua chỉ là các lí
thuyết đại chúng mơ hồ là các sự thật. Vì thế, một khi họ ít lưu ý đến điều
này, họ trở thành nạn nhân của sự ngụy biện theo “thuyết duy thực khái
niệm” (conceptual realism) (tương tự “sự ngụy biện của phép cụ thể hóa
không đúng chỗ” do A. N. Whitehead chỉ ra và đã được biết đến rộng rãi).