một nghĩa, đó là thay vì xây dựng các tổng thể từ các mối quan hệ giữa các
tâm trí cá nhân mà chúng ta biết được một cách trực tiếp, thì lại xem xét
một tổng thể mơ hồ như là một cái gì đó tựa như tâm trí cá nhân. Chính
dưới dạng này mà việc sử dụng không hợp lệ các khái niệm nhân cách hóa
đã tạo ra những ảnh hưởng tai hại cho lĩnh vực khoa học xã hội tựa như
chúng đã từng gây ra trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Một lần nữa, điều
đáng lưu ý ở đây là chủ nghĩa thực nghiệm của những nhà thực chứng,
những kẻ thù không đội trời chung của các khái niệm nhân cách hóa ngay
cả khi chúng nằm đúng vị trí, vẫn luôn là thứ luận thuyết giúp họ tạo nên
các thực thể siêu hình như thế và xem xét con người, chẳng hạn như Comte
đã làm, như là một “sinh vật xã hội”, một loại siêu nhân. Nhưng, do chẳng
còn khả năng nào khác giữa hai khả năng, hoặc thiết lập tổng thể từ các tâm
trí cá nhân hoặc dựng lên một tâm trí siêu phàm dưới dạng hình ảnh của
tâm trí cá nhân, và do các nhà thực chứng loại bỏ khả năng đầu, nên họ
nhất thiết phải theo khả năng thứ hai. Ở đây chúng ta tìm thấy nguồn gốc
của một thứ liên minh kì quái giữa chủ nghĩa thực chứng thế kỉ XIX và chủ
nghĩa Hegelian, nội dung mà chúng ta sẽ xem xét ở phần III.
Những người tiếp cận các hiện tượng xã hội theo cách của tập thể luận
đã không còn quá thường xuyên tuyên bố đầy quả quyết giống như cha đẻ
của ngành xã hội học, Auguste Comte, nhận định về chúng: giống như sinh
vật học, “tổng thể của khách thể tất nhiên được biết đến rõ ràng hơn và dễ
dàng hơn”
so với các bộ phận [của khách thể]. Quan điểm này đã có ảnh
hưởng không ngừng đến việc nghiên cứu dựa theo chủ nghĩa duy khoa học
về xã hội mà ông ta đã nỗ lực tạo ra. Song, sự so sánh tương tự cụ thể giữa
các khách thể của sinh vật học và của xã hội học, vốn rất thích hợp trong hệ
thống khoa học của Comte, trong thực tế không hề tồn tại. Trong sinh vật
học, chúng ta trước hết phải nhận biết những sự vật thuộc cùng một loại
làm các đơn vị tự nhiên, những tổ hợp ổn định của các tính chất cảm giác,
để từ đó chúng ta tìm kiếm các trường hợp khác mà chúng ta nhận ra một
cách tự nhiên là thuộc cùng loại. Vì thế, chúng ta có thể bắt đầu đặt câu hỏi
tại sao những tập hợp các tính chất xác định lại diễn ra đều đặn cùng nhau.