là các cô gái trẻ trung, xinh đẹp, còn đám đàn bà có tuổi thì phải xếp sau sự
hồn nhiên trẻ trung.
Giữa các hàng đàn ông và phụ nữ là một khoảnh đất rộng để khiêu vũ,
trong đó có chỗ cho hai người chơi phong cầm và hai người đánh trống.
Cạnh họ, về phía nam giới, ngồi sau chiếc bàn đánh vécni sứt sẹo được
mang về từ pháo đài của người Nga vào năm 1918 là người chủ trì bữa tiệc
tên là Shamso, một người đàn ông khỏe mạnh đến từ làng Khatuni. Ông
Shamso nổi tiếng khắp vùng là một người khôi hài, không có công việc ổn
định và thích nhậu nhẹt, là một “quan chức dân sự” trong tất cả các cuộc
vui. Trên chiếc bàn chiến lợi phẩm trầy trụa có một bình trà ám khói nguội
ngắt và hai, ba chiếc bát chủ yếu là để trang trí, dưới bàn có chiếc chai to
đựng rượu ngang (1), cạnh đó, ngồi lùi ra phía sau một chút là ông bạn
nhậu khỏe mạnh Basnak, người bà con gần của Tsanka. Basnak là người
không nổi bật giữa đám đông (mặc dù ai cũng biết và cũng nhìn thấy ông),
đều đặn rót rượu nóng vào cốc rồi đưa lên cho Shamso. Sau đó, để chuẩn bị
cho cuộc “hội đàm”, ông chủ trì bữa tiệc đã hình thành nên quanh mình
một đám giúp việc, ngồi chen chúc vòng trong vòng ngoài quanh bàn, và
theo yêu cầu của ông, tất cả bọn họ, không nhất thiết phải chạm cốc, nhưng
phải uống cạn cốc rượu chúc mừng sức khỏe ông. Ông Shamso hút điếu
thuốc đã chuẩn bị sẵn cho sự kiện này rồi hét lên:
- Thôi, giải lao thế đủ rồi. Tiếp tục khiêu vũ. Phong cầm đâu, chơi đi.
Để chuẩn bị cho những buổi lễ như thế này, những người thợ thủ công
địa phương đã chuẩn bị sẵn vài chiếc phong cầm bằng giấy (2) mà âm
thanh đơn sơ của chúng có thể kéo dài được hai, ba tiếng, sau đó thì chiếc
đàn bị hỏng, người ta lại dùng đến chiếc đàn tiếp theo. Buổi khiêu vũ sẽ
kéo dài cho đến khi tất cả nhạc cụ đều rách tươm, hoặc các cuộc cãi vã và
ẩu đả nổ ra (trường hợp sau diễn ra thường xuyên hơn). Cùng hòa âm với
tiếng đàn phong cầm bằng giấy là tiếng trống đinh tai nhức óc, gợi cho
người ta nhớ đến tiếng vó ngựa. Đôi khi, các nhạc cụ còn được dùng để