minh rằng cuộc tìm kiếm hoà bình đã đi quá xa-nó chỉ chứng minh là đã
không đi xa đủ. Và nó không chứng minh sự thất bại của các cuộc thương
thuyết-mà chỉ chứng minh sự vô ích của bạo lực và sức mạnh. Chưa bao giờ
sự lựa chọn một cuộc dàn xếp hòa bình đã trở nên rõ ràng hơn; nó đang
diễn ra trước mắt chúng ta".
Trong lá thư gửi người Palestine, Clinton chọn một giọng nghiêm khắc
hơn, thậm chí khuyến cáo. Ông nhìn nhận những sự "nhục nhã hàng ngày"
mà người Palestine phải hứng chịu, ông hiểu được sự tức giận của họ.
Nhưng ông tiếp: "Không một điều gì các bạn đã đạt được nhờ bạo lực, và sẽ
không bao giờ có chuyện đó. Nó sẽ chỉ đạt được thông qua hoà bình và
thương thuyết. Hơn bao giờ, bây giờ là thời điểm của lòng dũng cảm trong
lãnh đạo. Vì lòng dũng cảm không chỉ được đo bằng đấu tranh. Nó được đo
bằng khả năng nắm bắt các cơ hội lịch sử".
Vào lúc đó, người Palestine đã mất hết hy vọng nơi Clinton. Lời
khuyến cáo công khai của ông cho Yasser Arafat sau thất bại của cuộc họp
thượng đỉnh Trại David, và thái độ chống Mỹ sâu đậm của Al-Aqsa
Intifada, có nghĩa là sự thắm thiết của cuộc viếng thăm của Clinton đã tan
biến. Các báo chí Palestine chào mừng ngày kết thúc chính phủ của Clinton
như là "chấm dứt kỷ nguyên của hành lang Do Thái".
Clinton đã dành cho Kênh II truyền hình Israel một cuộc phỏng vấn
đầu tiên trong tư cách riêng tư của một công dân. Người phỏng vấn vồn vã
nói rằng Clinton chắc rất "cô đơn" và nên "bỏ mọi sự và sang Israel ở với
chúng tôi". Clinton tiết lộ rằng một trong các kế hoạch đầu tiên của ông sau
khi hết chức tổng thống là học tiếng Do Thái.
Ít có tổng thống nào khác có một sự quan tâm ân cần với Israel như
Clinton, nhưng đây chỉ là vấn đề về mức độ hơn là về nguyên tắc. Về nhiều
phương diện, nhiệm kỳ tổng thống của Clinton làm thăng hoa quan hệ của
nước Mỹ ngày nay với Nhà Nước Do Thái. Có một sự cam kết mạnh mẽ,