“Bỏ đi”, tôi nói, cắt ngang anh. “Không, em không giận dữ gì. Chưa bao
giờ vấn đề giận dữ xuất hiện trong đầu em. Không chỉ vì lúc ấy em sắp
chết, mà còn vì nhìn em bây giờ xem - em có công việc, và em không còn
là một đứa chết giẫm hoàn toàn bỏ đi nữa.”
“Em chưa bao giờ là kẻ bỏ đi”, anh nói.
Tôi khịt mũi thô thiển. “Anh đang ọe ra những thứ vớ vẩn đấy. Tin em
đi, em từng là thế. Em từng từ bỏ và chả quan tâm cái cóc khô gì.”
“Nhưng giờ em đâu có thế nữa”, anh nói.
“Ít ra thì em có cố gắng hết mình.” Và đó thực sự là thay đổi lớn nhất, tôi
nhận ra điều đó. Tôi quan tâm đến cái sự “bỏ đi” của mình và làm những gì
có thể để cứu vãn. Nhưng có những thứ chẳng bao giờ có thể cứu vãn được,
mà chỉ có thể vượt qua. Tôi là kẻ đã bị kết án, bố tôi là tên nghiện rượu,
còn mẹ tôi thì phải vào tù vì tội bạo hành trẻ em và rồi tự tử trong tù. Cóc
thèm quan tâm là câu thần chú của tôi trong mấy năm vừa rồi, điều mà tôi
đã nỗ lực thành công bằng cách bỏ bê và đày đọa bản thân vượt xa những
gì mẹ đã từng làm với tôi. Giờ tôi không thể quay trở lại với cái thái độ thờ
ơ đó nữa. Không thể làm thế mà đồng thời tồn tại. Có lẽ đó là lý do vì sao
bài báo kia lại quá nhức nhối đến thế. Tôi có quan tâm, và điều đó khiến tôi
điên tiết nếu có bất kỳ ai nghĩ rằng tôi vẫn như xưa, vẫn cóc thèm quan
tâm.
Tôi lén nhìn Marcus. Anh nở nụ cười lười biếng trong lúc lái xe, rõ ràng
tâm trạng đang phơi phới. Lúc này tôi chẳng thể bắt mình kể với anh về bài
báo ấy được. Để cho qua cái trò tiệc tùng này cái đã, tôi tự nhủ. Khoảng
một giờ tỏ ra tử tế, và rồi tôi có thể quay trở lại với những gì là bình thường
trong cuộc đời của mình.
Tôi có ý niệm mơ hồ đầu tiên rằng mình tiêu tùng rồi khi Marcus rẽ vào
một tiểu khu dân cư và phải dừng lại trước bảo vệ ở cổng để trình thẻ căn
cước. Ngay bên kia cánh cổng một đoạn tôi nhìn thấy rõ kiểu nhà cửa ở nơi
này. Chẳng có nhà nào thấp hơn hai tầng, và tất cả đều đủ lớn để nhét được
nửa tá ngôi nhà xinh xắn của tôi vào trong ấy. Sân nhà kiểu cổ, xe hơi đắt