(Điều này cũng tương tự như khi sáp nhập Coca-Cola với
Eastman Kodak để tạo ra một tập đoàn kinh tế mang tên Coca-
Kodak).
Giá đắt và giá rẻ
Với tư duy logic, các nhà quản lý thuộc nhóm bán cầu não trái
luôn muốn tăng doanh số bán hàng. Vì vậy, họ chú trọng vào việc
cắt giảm chi phí và chuyên môn hóa sản xuất.
Các nhà marketing thuộc nhóm bán cầu não phải có tư duy trực
giác cao lại muốn xây dựng thương hiệu. Thông thường, cách tốt
nhất để xây dựng thương hiệu là định giá sản phẩm của mình cao
hơn sản phẩm của đối thủ. Bằng cách này, bạn có thể tạo được nhận
thức rằng thương hiệu của mình “tốt hơn”.
(Ví dụ như: cà phê Starbucks, nước tăng lực Red Bull, rượu vodka
Absolut, rượu Grey Goose, đồng hồ Rolex, ô tô Lexus, ô tô
Mercedes-Benz, thiết bị âm thanh Bose, máy hút bụi Dyson, nước
khoáng Evian, mù tạt Grey Poupon, bánh kẹo Godiva và rất nhiều
thương hiệu khác).
Định giá cao chưa chắc đã không tốt. “Thương hiệu” có thể được
định nghĩa là những sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng sẵn sàng
trả giá cao hơn so với các hàng hóa tương tự.
Nếu khách hàng không trả cho thương hiệu của bạn mức giá cao
hơn so với giá họ trả cho hàng hóa tức là bạn không thực sự có một
thương hiệu. Tất cả những gì bạn có chỉ là hàng hóa đã được đặt tên.
Lịch sử của Federal Express
đã minh chứng sự khác nhau giữa
phương pháp tiếp cận của nhà quản lý và nhà marketing − hay nói
cách khác là sự khác nhau giữa việc cạnh tranh bằng “giá cả” và
bằng “thương hiệu”.