ấy, khi còn đang là giám đốc xí nghiệp cơ khí, trong những đêm
nhức nhối vì chuyện khoán sản, chuyện đổi tiền bay lơ lửng trên
đầu như một cái án treo không cưỡng được, anh đã mang cây kèn
này ra để tự trấn an mình. Cây kèn đã theo anh đi suốt các trận
đánh, đã trở thành người bạn, một chỗ dựa tinh thần cho anh trong
những giờ khắc ác liệt, bi thương nhất. Và rồi cũng chính âm
thanh của nó đã dẫn cô đến với anh. “Anh đừng thổi nữa!... Chưa ở
đâu và chưa bao giờ em được nghe một tiếng nhạc buồn như thế!
Tiếng kèn như tiếng khóc…” Cô đã nói như vậy vào một đêm chỉ có
hai người ngồi với nhau trong một góc rừng thưa. Rồi mái tóc vừa
gội của cô đã bất giác ngả vào ngực anh như có cả một rừng sả tràn
về… cô khóc thật, nước mắt con gái thấm ướt đến tận tâm can,
một điều mà trước đó anh chưa hề dám nghĩ tới, chưa hề dám
tin…
Một tiếng gõ cửa rất ư là rụt rè vang lên. Cửa mở. Anh nhận ra
ngay khuôn mặt của cái anh chàng lái xe bồn hôm đó. Chỉ khác nét
nhâng nháo đã thay bằng vẻ ỉu xìu trông chả giống ai.
- Có chuyện gì thế? – Anh hỏi – Mà vào hẳn trong này đi đã.
- Em… em đến chịu tội – Không thể có giọng nói nào khổ sở hơn.
- Tội gì? – Chút nữa anh bật cười.
- Tội bố láo bố lếu với anh, tội gọi anh bằng mày tao chí tớ,
tội… Tại vì anh trông giống mấy tay nhà báo, giống mấy tay kĩ sư
xuống thực tập nên em mới… Nghe nói sáng nay anh kể lại chuyện
của em giữa cuộc họp, em khổ tâm quá!
- Ngôi xuống và uống nước đi! – Anh rót cho anh ta ly trà còn
âm ấm – Tôi quên rồi và nếu có nhớ thì nhớ cậu có tội khác kia.
Tội nặng.