Có chi đâu, nếu buồn, ba cứ uống. Con cũng quen ngủ một mình rồi.
Chẳng qua ở chỗ lạ, cũng thấy ớn ớn.
Ông tìm cách chuyển hướng câu chuyện.
À, từ lần đó, mẹ còn gọi nữa không con?
Đúng như con dự đoán, không hề. Chắc lúc ấy mẹ khùng vậy thôi.
Con đừng nói về mẹ như thế.
Có gì đâu ba, bây giờ ai chẳng khùng. Con có một trăm đứa bạn, cả
trăm đứa khùng hết trơn. Mỗi đứa khùng bởi một lý do khác nhau. Đứa gia
đình. Đứa yêu đương nhăng nhít. Nhiều đứa khùng rất... mông lung, chẳng
hiểu tại sao khùng. Trẻ khùng kiểu trẻ, già khùng kiểu già. Ba không thấy
như thế à?
Ông nghe ớn lạnh. Một vệt hồi ức nháng lên. Cái khoảnh khắc hai đứa
học trò lao thẳng vào nhau, giữa giờ chơi, ông đứng đầu cầu thang lầu trên,
nhìn xuống lầu dưới. Tất cả như cứng lại. Và dãy hành lang đầy máu. Cái
mùi tanh, khi đã đập vào tri giác bất kỳ ai, sẽ còn giật lên trong mỗi cơn mê
hoảng đến suốt cả cuộc đời. Và hàng trăm ánh mắt trẻ măng, vừa mới lớn,
đã lưu nó vào ký ức, trong buổi sáng kinh hoàng ấy. Bao nhiêu trang văn
trừu tượng ông truyền đạt, vẽ vời, hoàn toàn vô nghĩa, chỉ sau một tích tắc
sự thực hiển hiện. Ông không thể nào lý giải nổi. Hai đứa học trò hôm qua
còn là bạn thân, sau nhát dao một đứa ra đi, một đứa vướng vòng lao lý và
để lại sự khủng hoảng tinh thần cho hàng trăm kẻ khác. Chẳng lẽ phải lãnh
đạm đưa ra một từ duy nhất: Khùng?
Xét riêng con gái, đôi lúc ông thấy nó ngây thơ, đơn giản đến độ nhợt
nhạt, đôi lúc lại thấy nó già dặn, từng trải, tới mức chai lì. Đã bao ngày gặp
lại, ý định hiểu hơn về con nơi ông gần như chẳng đem lại một kết quả nào.
Ông đã từng mơ về nó, một giấc mơ đầy chất cổ điển. Cô bé mặc áo dài,
những ngón tay trên hàng phím piano, một đêm Giáng sinh, ông cùng vợ
ngồi bên ly rượu vang ngắm con... Và giờ nó đó, lênh đênh trên hành trình
vô định cùng cha, gói gọn tất cả vào một chữ khùng.
Những cồn cát đầy nắng vẫn trải dài, song sắc xanh đã dần chiếm chỗ.
Dải duyên hải bắt đầu được xen bởi những cánh đồng lúa nước, những