Lại phải lết ra xe, gương mặt con gái ông vốn nhăn nhó, lúc này càng
nhăn nhó hơn. Điệp khúc của nó luôn là đói. Ông hiểu, nó đang tuổi ăn tuổi
lớn, không thể chịu đựng được như ba.
Ông tấp xe vào một dãy quán sáng đèn. Mấy cặp nam nữ chừng tuổi
con ông đi chơi về khuya, co ro quanh cái bàn bên cạnh. Họ cười nói và
văng tục. Cách phục sức, mấy chiếc xe đời mới, hoàn toàn chẳng có gì khác
thanh niên thành phố. Thuở xa xưa, ông nhớ, sự khu biệt khá rõ ràng, bởi
những cách ngăn về giao thông, hành chính.
Con gái ông bỏ dở gần nửa tô mì, trong khi ông húp cạn.
Sao vậy con, mệt không ăn nổi à?
Dở quá - Ông không biết món ăn dở thật, hay đó là nhận xét quen
thuộc của con gái.
Ông gọi tính tiền. Một con số choáng váng. Ông hỏi lại lần thứ hai và
biết mình không hề nghe lầm.
Đóng cửa xe, dường như tay ông vẫn chưa hết run.
Tại sao lại có cái giá kinh khủng vậy nhỉ?
Cái xe ba đậu ngay đó, mang bảng số thành phố. Họ nghĩ ba là khách
du lịch nên chặt ba đó.
Ba nghĩ việc phân biệt thành phố với tỉnh giờ đâu còn. Ai dè vẫn vậy.
Thì dân thành phố thấy dân tỉnh cũng chặt mà ba. Vụ này khi đi với
đám bạn con gặp hoài. Ra biển, lên núi, đâu cũng vậy.
Nếu vậy, với cả hành trình này chắc ba chết.
Sau nguyên một ngày ôm vô lăng qua những cung đường đèo dốc, ông
ngủ vùi cho tới khi điện thoại đầu giường réo từng hồi. Tiếp tân báo ông có
khách.
Gã ngồi nhả khói mịt mù nơi bộ bàn lớn màu nâu chói, kê giữa tiền
sảnh. Thấy ông, gã bật dậy.
Mày già thế này rồi cơ à?
Ông nắm bàn tay lạnh mịn, nhìn lướt gã một lượt. Hầu như chẳng còn
dấu tích anh chàng loắt quắt ngày nào. Gã mập ra thấy rõ với lớp cằm thứ
hai đội lên dưới cổ. Nếu gặp gã giữa đường, ông sẽ không thể nào nhận ra.
Hôm qua mày có nói mày là bạn tao không?