Giờ này mà còn công chuyện?
Thì vậy đó. Đã bảo làm ăn mà. Đôi khi rạng ngày mày còn phải tông
cửa... chạy trốn không chừng.
Thôi được rồi. Mày quẳng giùm tao cái xe ra bãi đậu. Sau đó tao sẽ
phải mua thêm ít lon, về ngồi một mình. Chưa say vật ra, chưa thể nào ngủ
được. Mấy tháng nay nó cứ như vậy rồi.
Bãi gửi xe nằm kề sân vận động, cách phòng trọ ông thuê vài trăm
mét. Hàng cổ thụ ù ù gió, những mảng hè phố nhấp nhô cao thấp, vài vệt
đèn nhòe nhoẹt. Đám chuột cống khổng lồ, chạy lúi chúi, như muốn va vào
những bước chân khập khễnh của ông. Bao ngày nay, một quỹ đạo ấy mỗi
đêm về. Vẫn chưa sao quen được mùi cô độc. Mà có lẽ sẽ còn nhiều tháng,
nhiều năm, ký ức vẫn quật lên, đủ để ông so sánh giữa hai hoàn cảnh xưa
nay. Đau thấu tận tâm can, với những ê chề mất mát.
Ông thả cái bịch đựng mấy lon bia xuống chân, xòe tay che gió, mồi
một điếu thuốc. Từ bóng tối phía hốc tường bỗng vẳng ra một giọng nữ hơi
khàn:
Anh ơi, cho em xin điếu thuốc được không?
Phản xạ, ông giật mình tính chạy, nhưng lập tức nghĩ, mình có gì để
mất. Từ ngày ra phòng trọ, ông chẳng bao giờ giắt theo quá nhiều tiền mặt
trong người. Cái bóp mỏng dính, vài mẩu giấy tờ đủ để người ta báo lại vợ
con, nếu chẳng may gục giữa đường giữa chợ. Song ông vẫn làm bộ không
nghe lời đề nghị kia, cúi xuống lượm cái bịch, lại lảo đảo bước.
Tiếng nói khi nãy đã hiện thành một cái bóng, cắt ngang lối ông đi.
Em thèm thuốc quá, nhưng hết mất rồi. Anh cho em xin một điếu, thiệt
tình mà.
Ông nghe một mùi hương ôi ả, pha giữa dầu thơm và nước đái khô
quanh đó. Móc gói thuốc từ túi quần, ông chìa về phía cô gái.
Cô giữ hết mà hút.
Cảm ơn anh. Em xin một điếu được rồi. À, anh cho em mượn quẹt
luôn với.
Ông bật quẹt, chìa về phía cô gái, khi điếu thuốc đã được gắn lên môi
cô. Trong vệt sáng nhòe lên run rẩy, ông thấy một lớp son đỏ bệt, chu tròn