kêu gọi một “cuộc nổi dậy cả về dân sự và quân sự” để lật đổ chế độ. Và
vào ngày 2 tháng 8, George W. Bush cũng kêu gọi một cuộc nổi dậy, ông ta
đã truyền thông điệp của mình vào hòn đảo: “Chúng tôi ủng hộ các bạn
trong nỗ lực thành lập một chính phủ quá độ hưởng tới nền dân chủ” và đe
dọa sẽ trừng trị những người ủng hộ Cách mạng phản đối một “Cuba tự
do”. Nhưng ngày tháng cứ thế trôi qua và đến cuối tháng 12, tất cả các nhà
quan sát đều nhận định rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường trên đất
nước Cuba. (Ngày 19/02/2008 vừa qua Fidel Castro đã tuyên bố rút lui khỏi
cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng tư lệnh Quân đội Cuba,
chuyển giao quyền lực cho em trai mình là Rául Castro - ND).
Mặc dù những đối thủ của ông thấy thật khó tin, sự thật là đại đa số
người dân Cuba (mặc dù không phải là tất cả) đều trung thành với Cách
mạng. Đó là lòng trung thành được xây dựng trên tình yêu nước - một tình
yêu, không giống như những gì đã xảy ra ở các quốc gia cộng sản Đông Âu,
bắt nguồn từ cuộc đấu tranh lịch sử của hòn đảo này trước những âm mưu
thôn tính của Mỹ.
Cho dù những người gièm pha ông có thích hay không, Fidel Castro
vẫn có một vị trí xứng đáng trong ngôi đền vĩnh cửu tôn vinh những vĩ nhân
đã đấu tranh kiên cường nhất vì công bằng xã hội và tình đoàn kết vĩ đại đối
với những dân tộc bị áp bức. Như Frei Betto, nhà thần học Thiên Chúa giáo
người Brazil và cựu cố vấn của Tổng thống Lula, đã nói, “Fidel Castro
không chỉ giải phóng tổ quốc mình khỏi cái đói, mà còn khỏi cái dốt, tội
phạm và nạn ăn xin, và sự quụy trước chủ nghĩa đế quốc”.
Vì tất cả những lý do đó - bất chấp sự bất bình của tôi trong tháng 3
và tháng 4 năm 2003 trước những án tù quá nặng dành cho các phần tử bất
đồng chính kiến ôn hòa và án tử hình dành cho ba đối tượng cướp tàu - tôi
cũng không thể không nghĩ rằng thật bất công khi Fidel Castro, một lãnh tụ
xuất chúng bị báo chí phương Tây phê phán và lên án gay gắt, lại không có
cơ hội giải thích mọi chuyện theo quan điểm của mình, và trực tiếp đưa ra
những tuyên bố về cuộc đời đấu tranh cách mạng của ông.
Fidel Castro là một nhà hùng biện sung sức nhưng lại có rất ít những
cuộc phỏng vấn dài, và trong suốt 50 năm qua mới chỉ có bốn cuộc trò