Thế là dân chúng lại trải qua một năm 1921 với những sự khổ cực vô
biên, mà chưa thấy bóng hình nền tự-trị. Lại thêm sự chia rẽ đã phát hiện
trong hàng ngũ Đảng Quốc-hội. Khuynh-hướng bạo-động dần dần lấn bước.
Người ta ra mặt chế riễu đường lối tranh-đấu của Thánh. Họ cười Thánh hãy
còn mải thú vui dệt vải, và chỉ chăm lo vào việc ăn uống tiết-độ thế nào cho
bộ máy tiêu-hoá được khoẻ mạnh. Nghi ngờ sự hiệu quả của những cuộc
khẩu chiến cùng bút chiến của Thánh, họ đòi phải thay chính-sách, vì thái-
độ ôn hoà không đưa đến đâu. Cam-Địa cố can ngăn.
Ông nói : « Người bất hợp-tác còn can-đảm hơn người bạo-động
nhiều », hoặc « Người Ấn còn nhiều sứ-mệnh cao cả khác phải theo đuổi,
chứ đâu chỉ có mục-đích trừng-trị những kẻ độc-ác trên đất này ? »
Ông còn viết : « Bản ngã con người là sự ôn-hoà mực thước, còn hung-
bạo chỉ là bản năng của con vật. Nếu bắt buộc phải dùng đến khí giới, thì ví
dù chúng ta có thắng chăng nữa, lòng tôi cũng không thoả nguyện. Tôn-giáo
không dạy ta ghét bỏ người ngoại quốc. Tôi còn để lòng nhân lên trên lòng
yêu nước của tôi ».
Xem thế, ông thực đã trái hẳn với những người yêu nước thiển cận.
Muốn hiểu Cam-Địa đức độ là dường nào, ta đừng quên rằng nếu người
Anh giữ trong tay Công-an và quân-đội, thì Cam-Địa lại có một thứ khí-giới
ghê gớm hơn nữa, là hơn ba trăm triệu người, lòng tức giận đang sủi như
chảo dầu sôi, chỉ một hiệu lệnh phát ra là lao đầu vào vòng chiến. Liệu một
nhóm người Anh trong cái bể lửa ấy sẽ chống cự được bao lâu ?
Cũng như Cam-Địa, Reading, Phó-vương Ấn là người đã tự tạo lấy đời
mình. Lăn lộn đã nhiều, nên kiến-thức ông rộng-rãi, chứ không bo bo một
mớ thành-kiến lạc-hậu như những nhà cầm quyền trước. Sinh ra trong một
gia đình nghèo người Do-Thái, ông ta đã từ một chân bồi tầu lên đến chức
Tổng-trưởng, rồi Phó-vương, trong triều đình Anh, mà hoàn toàn chỉ nhờ
vào sức vóc của đôi tay và khối óc.
Bởi thế, các viên thuộc quan người Anh đã ngạc nhiên xiết bao khi thấy
ông mời Cam-Địa gặp ông để trao đổi ý kiến.