ráo-riết trên trường tranh-luận. Cam-Địa muốn dùng quá-khứ để xây-dựng
tương-lai. Theo ông, các tôn-giáo, các thần-thoại đều là những gia-tài quý-
báu của một thủa xưa thuần-tuý. Ông thường suy-luận ở đấy mà tìm đường
lối hành-động cho tương-lai. Trái lại, Tagore say-sưa với hiện-tại. Ông ưa
thích những tư-tưởng mới lạ của Tây-phương. Ông ham chuộng những tiện
nghi của nền văn-minh cơ-khí. Cam-Địa tằn-tiện dè-sẻn. Tagore hoang-phí
xa-hoa. Trong một bức thư viết cho Tagore, Cam-Địa đòi hỏi cho « trăm
triệu sinh-linh đang sống quằn-quại trong đau khổ, những lời thơ rắn-rỏi
mang lại cho họ sức sống và niềm hy-vọng ». Nhưng lời thơ của Tagore chỉ
là một điệu nhạc trầm bổng du-dương. Ở Chantinikétan, môn đệ của nhà thơ
hàng ngày chỉ múa hát và hái hoa để cho cuộc đời thêm tươi đẹp.
Trong khi ấy thì Cam-Địa đang chú ý tìm một nơi nào khuất-tịch, thích
hợp cho sự làm việc, để đem gia-đình cùng những người cộng-sự thân tín về
ở cùng. Bấy giờ ông cũng không có trụ sở nhất định để đặt văn phòng thầy
kiện. Nay đây mai đó, ông thường vắng mặt ở gia-đình. Một ngày kia, có
người ngoại quốc hỏi ông : « Gia-đình vẫn mạnh ? » Ông trả lời : « Tất cả
người Ấn đều là gia-đình tôi ».
Sau ông tìm được một khoảng đất ở bờ sông Sabarmeti, ngay bên kia
thành phố Ahmédabad. Chính ở trên bãi cát lầy ẩm đó, giữa những người
nghèo khó ở chui rúc chốn ngoại-ô, Cam-Địa luyện dần sức mạnh của tâm
hồn để trở nên người lãnh-đạo tối cao của dân-tộc Ấn.
Thành phố Ahmédabad là một thành phố giầu về kỹ-nghệ dệt. Gần đó
lại có hải-cảng Bombay trù-phú.
Các nhà kỹ-nghệ giúp Cam-Địa tiền để lấy khu nhà Satyagraha Ashram
làm nơi truyền giáo.
Cam-Địa ở một gian phòng kích thước chỉ vừa bằng một buồng giam.
Chỉ có một chiếc cửa sổ nhỏ ở tít trên cao, trông xuống một cái sân thượng
nhỏ. Ngoài những năm tù, Cam-Địa tự hãm mình trong căn phòng đó cả
thẩy 16 năm trường. Ông còn tự hành hạ mình hơn nữa. Ban ngày nắng hè