nhất. Ở các thành phố, họ bị dồn vào một khu riêng biệt có tường vây kín.
Người Ấn nào không may mà chạm phải một kẻ tiện dân thì thế nào cũng
phải tắm rửa, chay tịnh và làm lễ tẩy uế. Nhiều nơi người ta sợ cả đến cái
bóng người tiện dân in trên mặt đường. Họ tin rằng chạm vào cái bóng đó
cũng bị nhơ-nhớp chẳng khác gì va phải một tiện dân bằng xương bằng thịt.
Cam-Địa cố gắng chống lại những thành kiến bất công đó.
Tháng 5 năm 1918, ông tới dự một cuộc mít-tinh họp tại Bombay để
tìm cách giúp đỡ những người tiện dân cùng khốn. Trước khi lên diễn đàn,
ông lớn tiếng nói : « Ở đây có ai thuộc về giai-cấp tiện-dân đến không » ?
Không ai giơ tay. Ông bèn không nói nữa, vì cho là cuộc hội họp không có
ích lợi gì, nếu không có chính vai chủ động tới dự.
Bấy giờ có một gia-đình tiện-dân đến khu nhà Ashram của Cam-Địa
xin trú-ngụ. Ông không ngần ngại mà thâu nạp họ.
Một luồng dư luận nổi lên phản đối cử-chỉ ấy.
Những phú thương người Ấn vẫn trợ-cấp cho Cam-Địa cho là sự hiện
diện của gia-đình tiện dân ấy trong khu Ashram làm ô-uế cả nơi thánh thất
tôn nghiêm. Họ không gửi tiền nữa. Đến cuối tháng thì một môn đệ Cam-
Địa giữ chân thủ-quỹ trình với ông rằng tiền đã cạn, và hỏi ông lấy gì để
sống tháng sau ?
Ông điềm nhiên trả lời : « Thì chúng ta vào sống chung với những
người, tiện-dân vậy ».
Một buổi sáng kia, Cam-Địa tiếp một vị khách đến thăm khu truyền
giáo của ông bằng xe hơi. Khách hỏi ông có cần tiền chăng ? thì ông đáp
« Tôi cần lắm ». Khách liền chìa ra một bó bạc lớn, rồi chào ông mà đi. Ông
không biết vị khách hảo tâm đó là ai, vì ông nhớ mang máng hình như chỉ
gặp khách có một lần tại nơi nào. Cam-Địa đếm được cả thẩy mười ba ngàn
roupies. Số tiền đó đã giúp ông nuôi sống các môn đồ đủ ăn một năm ròng.
Nhưng không phải vì đã yên bề tài-chính mà mọi điều phiền nhiễu sẽ
chấm dứt đối với Cam-Địa. Các phụ nữ, trong số đó có cả bà Kastourbai,
không bằng lòng sống lẫn lộn với kẻ đàn bà tiện dân. Cam-Địa làm cách gì