đã bị chiếm nhưng luôn luôn kháng cự. Binh lính của Lan-nơ đã chém giết
tất cả, không phân biệt ai, cả đàn bà và trẻ con, nhưng đàn bà và trẻ con
cũng giết lại binh lính Pháp mỗi khi thấy chúng sơ hở. Quân Pháp đã tàn
sát 20.000 quân đồn trú trong thành phố và hơn 32.000 dân. Thống chế
Lan-nơ, người kỵ binh liều mạng, không biết sợ là gì, kẻ đã tham dự nhiều
trận kinh khủng nhất của Na-pô-lê-ông và cũng là kẻ chẳng biết thế nào là
"xúc động" đã phải lấy làm kinh ngạc khi trông thấy xác chết của đàn ông,
đàn bà, trẻ con ngổn ngang trong nhà, ngoài phố, ngập trong biển máu.
"Cuộc chiến tranh gì vậy! Ta buộc phải giết những con người thuần phác
như thế, phải giết cả những người điên! Cuộc chiến trận này sẽ chỉ mang lại
sự buồn bã!". Đó là lời của thống chế Lan-nơ nói với tùy tùng, khi đi qua
những đường phố ngập máu của cái thành phố chết đó.
Cuộc bao vây và hạ thành Xa-ra-gốt đã gây được một ảnh hưởng rộng
lớn ở châu Âu và đặc biệt ở nước áo, nước Phổ và các quốc gia Đức. Sự
cảm phục, sự bối rối thẹn thùng, sự hổ nhục đã khuấy động được các tâm
hồn trong khi họ so sánh hành động kháng cự của người Tây Ban Nha với
sự hàng phục ngoan ngoãn của người Đức. Tuy vậy, những cuộc cướp bóc
và xâm lược của nền quân chủ Na-pô-lê-ông chẳng bao lâu đã làm cho giai
cấp tư sản ở các nước bị khuất phục phản ứng. Sau khi được Na-pô-lê-ông
đánh thức dậy, sau khi thoát khỏi các trở lực của chế độ phong kiến và đi
vào con đường tự do phát triển tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản bị khuất
phục ở châu Âu, đến lượt mình, đã buộc phải đi tìm những con đường mới
để thoát khỏi gọng kìm kinh tế của chính sách Na-pô-lê-ông. Những con
đường ấy ngày càng mở rõ ra cùng với sự phát triển của phong trào giải
phóng dân tộc chống Na-pô-lê-ông. Người ta đã nhìn thấy lò lửa đó lẻ tẻ
bốc cháy vào những năm 1803, 1809 và 1810, nhưng đến năm 1813 thì một
đám cháy dữ dội bắt đầu bùng lên ở khắp các nước đang nằm dưới ách
thống trị của Na-pô-lê-ông.
Năm 1806 và ngay cả trước khi người Phổ bị thua trận, Na-pô-lê -ông
đã vạch ra cần phải làm như thế nào để trả lời bất kỳ một mưu mô to nhỏ
nào định làm sống lại tinh thần quật khởi dân tộc trong nhân dân Đức. Sau
Tin-dít, Na-pô-lê-ông cho rằng đã có thể hành động hoàn toàn theo ý của