việc làm. Lúc đó thì họ sẽ hoàn toàn đi theo bọn quá khích. Tôi sợ những
cuộc khởi nghĩa bắt nguồn từ sự thiếu bánh mỳ ấy. Tôi còn sợ hơn là một
cuộc chiến đấu chống 200.000 người".
Tuy nhiên sự việc không đi đến chỗ nổ ra những vụ rối loạn nghiêm
trọng trong quần chúng thợ thuyền ở thủ đô và ở các tỉnh, mặc dù đã có
những dấu hiệu giận dữ, bất mãn, chán nản và đôi khi tuyệt vọng nữa mà
đám cảnh binh và bọn điều tra mật đã ghi được.
Nếu có thể rút ra được một bài học về cuộc khủng hoảng kinh tế năm
1811 thì về phần ông ta, Na-pô-lê-ông đã vội vã giải thích nó một các dứt
khoát: chừng nào cuộc phong tỏa lục địa còn chưa đánh gục được nước
Anh, chừng nào hàng hóa Pháp còn bị bế quan tỏa cảng thì tình hình
thương mại và công nghiệp Pháp vẫn còn bị bấp bênh và một cuộc khủng
hoảng mới vẫn luôn có thể xảy ra. Vậy nên cần phải làm cho xong dứt cuộc
phong toả, và nếu như có vì thế mà người ta phải chiếm Mát-xcơ-va thì
cũng cứ phải chiếm.
Na-pô-lê-ông nhớ rất rõ rằng những nhà sản xuất lụa Ly-ông đã quy
nguyên nhân nạn khủng hoảng một phần là vì nước Nga đã "bất thình lình"
đình chỉ các đơn đặt hàng do việc hoàng đế A-lếch-xan đã ban hành bằng
thuế quan mới vào tháng 12 năm 1810 đánh thuế nặng vào các hàng xa xỉ
như lụa, nhung, rượu nho hảo hạng - tức là tất cả các hàng hóa từ Pháp
nhập vào nước Nga. Na-pô-lê-ông cũng đã không quên ghi việc ấy vào
cuốn sổ nợ của A-lếch-xan mỗi ngày một dài thêm ra kể từ trận éc-phua.
Và suốt trong năm 1811, hoàng đế Pháp đã tâm tâm niệm niệm là cần phải
thanh toán các món nợ ấy và chỉ có thể thanh toán tại Mát-xcơ-va.
Vậy Na-pô-lê-ông đối phó bằng cách nào với các triệu chứng nguy
ngập biểu lộ tính chất không bình thường của tình trạng kinh tế trong đế
chế?
Cuộc khủng hoảng đã báo hiệu từ lâu và Na-pô-lê-ông đã nhận thấy nó
đang đến gần. Từ trước lúc ấy, Na-pô-lê-ông đã phải đối phó với những giai
đoạn nguy cấp cho nền tài chính nhà nước, với sự chớm nở của nạn "lạm
phát", với việc phải phát hành tiền giấy không có vàng bảo đảm, và sau hết
là với mưu mô của bọn tài chủ kếch xù đang tìm cách đánh xoáy công quỹ