Tiền tệ đã vững giá, trong ngân khố của nhà nước đã có kha khá vàng,
hệ thống bóc lột tài chính và kinh tế ở tất cả những nước bị đế chế xâm
chiếm cũng như ở cả châu Âu chư hầu để phục vụ lợi ích của các "quận
cũ", tức là lợi ích của nước Pháp chính cống, hình như đã chịu đựng nổi
những cuộc thử thách hàng mấy năm trời. Bất thình lình một cơn chấn động
ghê gớm đã làm rung chuyển toàn bộ tòa lâu đài đồ sộ ấy: bài học năm
1811 đã dạy cho Na-pô-lê-ông thấy rằng đấu tranh chống cuộc tổng khủng
hoảng kinh tế sẽ gay go hơn việc giải quyết các khó khăn tài chính tạm thời
đến mức độ nào và việc lấp lỗ hổng ngân quỹ dễ dàng hơn đến mức độ nào,
so với việc khám phá và nhất là tiêu diệt nạn nhũng lạm đang đục khoét
toàn bộ hệ thống kinh tế và tổ chức đời sống vật chất của cái đế quốc khổng
lồ. Cho dù có thu được thuế má, có móc họng được bọn tài chủ cú vọ lấy
được hàng triệu đồng, có chế độ kế toán mẫu mực và có cả một bộ máy thơ
lại hoàn chỉnh do Na-pô-lê-ông sáng lập chăng nữa thì cũng không thể cứu
vãn được một con bệnh như thế. Cuộc khủng hoảng năm 1811, trước hết
(nhưng không phải là độc nhất vì còn nhiều cuộc khác) là một cuộc khủng
hoảng thị trường tiêu thụ sản phẩm thương nghiệp và công nghiệp, những
thứ đã mang lại sự giàu có đầu tiên cho nước Pháp. Những sản phẩm nổi
tiếng của những nhà kim hoàn ở Pa-ri bán cho ai? Những đồ dùng trong
nhà quý giá mà gần ba phần tư nhân dân ngoại ô Xanh Ăng-toan làm ra bán
cho ai? Hoặc những đồ da thượng hạng đã nuôi sống ngoại ô Xanh Mác-xô
và cả toàn khu Múp-phơ-ta rộng lớn bán cho ai? Hoặc cả những bộ quần áo
rực rỡ của phụ nữ và lịch sự của nam giới mà một số lớn các xưởng may
mặc và thợ may ở cái thủ đô của thế giới làm ra ấy sẽ tiêu thụ đi đâu? Làm
thế nào để giữ vững được giá lụa và nhung Ly-ông, vải len thượng hạng
Xê-đăng, quần áo vải nõn của Lin-lơ, A-miêng, Ru-be, hàng thêu của Va-
lăng-xiên? Tất cả các loại hàng xa xỉ ấy của Pháp sản xuất không phải chỉ
để cung cấp cho thị trường nội địa mà còn để cung cấp cho toàn thế giới,
nhưng thị trường tiêu thụ hàng Pháp trên thế giới ngày càng co hẹp lại
nhiều: nước Anh đã không tiêu thụ nữa, Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng thôi, các
nhà trồng trọt giàu có ở Ăng-ti và ở Mát-ca-re-nhơ cũng vậy. Nói chung,
những khách hàng giàu có nhất và đông đảo nhất đã bỏ đi mất hàng mảng,