Mỗi lần quân Nga dừng lại, dù rằng chỉ chốc lát, là Na-pô-lê-ông lại
hy vọng có một trận tổng công kích ... ở Đô-rô-gô-bu-giê, ở Vi-át-ma, ở
Gơ-giát cũng vậy. ở đại bản doanh của Ba-gra-chi-on tại Pê-tec-bua, người
ta viết một cách độc ác rằng: "Ông thượng thư (Bác-clây) dẫn vị khách của
mình thẳng đến Mát-xcơ-va".
Mối sợ hãi, một mối sợ hãi không thể xua đuổi đi được và ngày càng
tăng, đã xâm chiếm dần dần tâm hồn của một số giới thượng lưu của xã hội
Nga. Thế là hoàn toàn thất bại rồi chăng? Cứ thế này nộp nước Nga cho kẻ
xâm lược, không kháng cự gì chăng? Tại sao ở Xmô-len người ta không
chiến đấu đến cùng? Tại sao người ta đánh rút lui? có phải tên Bác-clây
người Đức kia phản bội không?
Chính bản thân A-lếch-xan đã cố hết sức phá hoại uy tín của Bác-clây.
Chính bản thân A-lếch-xan, với vẻ khoái trá lộ rõ, đã nhại lại cho tướng
Uyn-xơn, phái viên của chính phủ Anh, nghe lời của Pla-tốp - thủ lĩnh dân
tộc Cô-dắc - nói với Bác-clây sau khi rút lui khỏi Xmô-len: "Ông xem, tôi
đang mặc quần áo thường dân rồi đây. Và, sau một sự nhục nhã như vậy, tôi
sẽ chẳng mặc lại binh phục Nga nữa đâu" (Uyn-xơn, Những sự kiện trong
cuộc xâm lược nước Nga, Luân Đôn, 1860, tr.115)
A-lếch-xan sống những ngày khổ sở nhất trong đời ông ta. Triều thần
hốt hoảng. Sự khiếp sợ ngày càng tăng. Đủ mọi thứ chuyện đồn đại về Nga
hoàng và Na-pô-lê-ông lưu hành trong giai cấp tiểu tư sản và nông dân. Từ
lâu, người ta không hiểu Na-pô-lê-ông là người thế nào. Cho đến tháng 6
năm 1807, trên tòa giảng, người ta đã bài xích Na-pô-lê-ông là tiền thân của
Ma vương phản Chúa; hơn thế nữa, trong khi trò chuyện với nhau, người ta
đã thừa nhận Na-pô-lê-ông là hiện thân của Ma vương phản Chúa, là kẻ
diệt trừ đức tin, nhưng từ cái tháng nọ, Ma vương phản Chúa lại bỗng nhiên
trở thành người bạn và người đồng minh của Sa hoàng mà chẳng có một
thời kỳ biến chuyển, cũng chẳng có sự giải thích nào cả. Bây giờ thì lại là
kẻ phản chúa rồi, hắn chẳng phải đánh chác gì mà đã chiếm được nửa nước
Nga. Xmô-len thất thủ đã làm cho người ta ngã lòng. "Nga hoàng và em là
Công-xtan-tin đã làm con người hay nổi nóng ấy phát cáu lên rồi", trong
dân gian người ta nói như vậy suốt mấy tháng đầu của cuộc chiến tranh.