ngạo mạn và nóng nảy, chỉ là một thủ đoạn do tình thế bức bách và nhằm
đánh lạc hướng chú ý của nước Pháp và của châu Âu. Hai mục tiêu quan
trọng bậc nhất của Na-pô-lê-ông là trước hết phải tổ chức được một đạo
quân, sau nữa là phải đảm bảo được một sự viện trợ, bằng không thì cũng
phải tranh thủ được sự trung lập của nước áo và hết sức cố gắng để có thể
của cả nước Phổ nữa.
Mục tiêu thứ nhất đã đạt được dễ dàng, mau lẹ. Khi còn ở trên đất
nước Nga, Na-pô-lê-ông đã hạ lệnh cho gọi trước kỳ hạn lớp quân dịch
năm 1813, và vào mùa xuân cùng năm đó việc huấn luyện tân binh căn bản
cũng đã hoàn thành. Người ta phải vất vả lắm mới gọi được 14 vạn tân
binh. Ngay từ năm 1812, Na-pô-lê-ông đã chỉ thị cho thành lập "những
đoàn quân vệ quốc" để khi cần đến ông ta sẽ sáp nhập tất cả vào quân đội,
coi như là làm theo nguyện vọng của họ, tuy rằng nhiệm vụ của đoàn vệ
quốc đã được xác định rõ là giữ gìn an ninh trong nội địa của đế chế. Việc
ấy cũng đã đem lại cho Na-pô-lê-ông thêm 10 vạn người. Tháng 6 năm
1812, Na-pô-lê-ông để lại ở nước Pháp và nước Đức chư hầu 23 vạn 5
nghìn người, đó là lực lượng mà hiện Na-pô-lê-ông có thể tin cậy được.
Cuối cùng, còn lại vài nghìn người (sau này tính đúng thì vào khoảng 3 vạn
người) sống sót trong chiến dịch nước Nga; thật ra, những quân đoàn được
Na-pô-lê-ông tách ra cho về cánh bắc (hướng Ri-ga và Pê-téc-bua) và cánh
nam (Grốt-nô) bị thương vong ít hơn rất nhiều so với những quân đoàn đã
chiến đấu ở Bô-rô-đi-nô, nhưng sau này, trong hai tháng rút lui Mát-xcơ-va
về sông Ni-ê-men, chúng đã bị tan rã.
Như vậy, ông hoàng đế đã có đủ lý do để hy vọng rằng vào mùa xuân
năm 1813 sẽ có một đội quân từ 40 đến 45 vạn người, chứ không phải 30
vạn. Trong khi thừa nhận rằng con tính ấy có thể là quá lạc quan, Na-pô-lê-
ông cũng vẫn không hoài nghi gì về khả năng tập hợp một quân đội cực
mạnh; trong một thời gian rất ngắn cần phải tích cực xúc tiến việc cung
cấp, tu bổ, bổ sung quân dụng, quân nhu, những xưởng công binh, pháo
binh, nói tóm lại, tất cả các loại vật chất khí tài. Na-pô-lê-ông đã làm việc
suốt ngày để tổ chức trang bị và huấn luyện bộ đội.