ý nốt đến cả việc ông hiệu trưởng và hiệu phó nghĩ mình thế nào. Tôi từng
nói mình không hẳn là người gan dạ lắm, nhưng một khi đã quyết định điều
gì tôi sẽ rất dứt khoát. Trường này mà không cần đến sự có mặt của tôi, tôi
sẵn sàng cuốn gói đi thẳng nên với tôi cái ông Lửng nọ hay tên Áo Đỏ kia
chẳng thể khiến tôi e sợ. Đối với lũ học trò tôi càng không muốn giả vờ,
mua chuộc để bọn chúng yêu thích mình.
Suy nghĩ theo cách đó nên tôi thấy mọi việc ở trường cũng chẳng đến nỗi
nào. Nhưng ở nhà thì mọi chuyện lại không mấy đơn giản. Nếu lão chủ nhà
chỉ lấy trà của tôi uống thôi thì đã đành, đằng này lão còn mang những thứ
vớ vẩn đến giới thiệu cho tôi mua. Đầu tiên lão mang đến thứ gì đấy gọi là
“inzai” hay đại loại như thế, chúng là những thanh đá dùng để làm dấu
triện. Lão bày ra khoảng mười thanh và bảo sẽ để lại cho tôi với giá hữu
nghị là ba yên. Nào tôi có phải là một họa sĩ lang thang hạng xoàng đâu mà
cần phô trương tác phẩm của mình bằng những dấu triện buồn cười ấy - tôi
trả lời thẳng với lão điều đó. Không bỏ cuộc, lão bèn mở một bức tranh ra -
một bức họa hoa điểu cổ - rồi nói đây là tác phẩm của ông Kazan, Ka ziếc
nào đấy. Lão treo bức tranh lên góc tường và trầm trồ:
- Thầy cũng thấy nó là một bức tranh đẹp tuyệt, đúng không?
- Chắc vậy. - Tôi đáp, chỉ cho có chuyện để nói.
Nghe thế, lão bắt đầu huyên thuyên một tràng giải thích dài dòng, nào là có
đến hai họa sĩ tên là Kazan, một ông là Kazan gì gì đó, còn một ông khác là
Kazan gì gì... nữa đó, và bức tranh là do ông Kazan này vẽ chứ không phải
ông Kazan kia vẽ. Xong, lão gạ tôi mua bức tranh, cố thuyết phục thêm
rằng chỉ có tôi lão mới bán với giá rất đặc biệt là mười lăm yên. Tôi nói tôi
không có tiền thì lão khẳng định không sao cả, tôi có thể trả bất cứ khi nào
cũng được, đơn giản là vì lão không muốn tôi từ chối. Cuối cùng tôi cũng
tống khứ được lão ta bằng cách trả lời dứt khoát rằng nếu có tiền tôi cũng sẽ
không mua.