lập tức. Gần đây, đầu óc tôi chỉ toàn những thứ như toán học và đồ cổ nên
quên hẳn mì, nhưng nhìn thấy bảng hiệu đó tôi liền quyết định vào tiệm ăn
một bát. Vào trong mới thấy quang cảnh khác xa cái cảm giác do tấm bảng
hiệu mang lại. Vì bảng hiệu có ghi “TOKYO” nên tôi hy vọng đây là một
nơi khá sạch sẽ, lịch sự, nhưng có lẽ do họ không biết Tokyo là thế nào
hoặc họ không có tiền sửa sang hàng quán nên trông nó thật bẩn thỉu. Chiếu
trải sàn đã ngả màu nâu xỉn vì dùng lâu ngày chưa thay, lại đầy những bụi
cát dính vào. Tường ám khói đen ngòm. Trần nhà thì vừa xám xì do muội
đèn dầu vừa thấp lè tè đến nỗi theo phản xạ tôi phải cúi mọp xuống. Thứ
duy nhất có vẻ mới là bảng thực đơn liệt kê tên và giá của món ăn được viết
bằng tay treo trên tường. Hẳn là người chủ chỉ mới mua căn nhà cũ này và
mở ra buôn bán được vài ngày. Tôi nhìn thấy món đầu tiên ghi trong thực
đơn là mì tempura
[2]
- Cho một bát mì tempura. - Tôi gọi to.
Lúc đó, bỗng có ba người đang ngồi trong góc sì sụp ăn uống nhất loạt quay
lại nhìn tôi. Lúc nãy vì tối quá tôi không để ý, nhưng nhìn thấy chúng, tôi
nhận ra ngay đấy đều là học sinh trong trường. Bọn chúng cúi đầu chào tôi,
tôi cũng chào lại. Món này rất ngon, hơn nữa đã lâu không được ăn nên tôi
ăn luôn bốn bát, toàn là mì tempura.
Hôm sau, vừa bước vào lớp tôi đã thấy ai đó viết trên bảng đen dòng chữ
“THẦY TEMPURA” bằng những ký tự to đùng. Nhìn mặt tôi, bọn học trò
nổ ra một trận cười ầm ĩ. Những trò này đúng là quá lố bịch. Tôi hỏi chúng
chẳng lẽ người ta ăn mì tempura lại đáng cười đến thế cơ à thì một thằng
đáp:
- Nhưng ăn đến cả bốn bát thì nhiều quá, phải không nhể?
Tôi bảo tiền tôi tôi ăn, bốn hay năm bát gì đấy đều là việc của tôi, không
liên quan đến chúng. Sau đó, tôi giảng bài một mạch đến hết tiết rồi quay về