lá đỗ tùng thái nhỏ [9] các tường quét lại vôi trắng và đồ đồng sáng loáng
xếp trên các đầu tường sát trần nhà!
Nhưng hết phiên chợ cũng sẽ chẳng được nghỉ ngơi gì đâu. Lại phải bắt
tay vào đập sợi lanh; trong tiết đại thử [10] người ta đã rải lanh ra để ngâm
trên một cánh đồng.
Sau đó người ta cho vào cái thùng hấp cũ để đồ lên, và người ta đã đun
sẵn cái lò to để hong tiếp. Khi lanh đã đủ khô rồi thì một hôm nào đó, người
ta tập hợp tất cả đàn bà hàng xóm lại. Họ tề tựu cả ngoài sân, trước cái
thùng hấp và cùng nhau đập lanh. Rồi họ lại cán, để tách những sợi mịn và
trắng ra từ các thân cây lanh. Khắp người họ trắng lốp những bụi, nhưng mà
nguồn vui không dứt và chuyện trò nổ ra như pháo ran chung quanh cái
thùng hấp.
Làm lanh xong, lại phải lo đến việc làm bánh mì khô để dành mùa đông,
việc cắt lông cừu và thay kẻ ăn người làm. Sang tháng mười một lại đến
những ngày khó nhọc ngả bò lợn làm thức ăn dự trữ: nhồi xúc xích hấp xúc
xích xông [11] kho thịt lợn, vân vân, và sau cùng là đúc nến.[12] Người đàn
bà khâu thuê đến may áo với vải dệt trong nhà, là bao giờ người ta cũng
được hai tuần lễ thích thú, mà tất cả mọi người đều tụ họp lại để may vá.
Đồng thời người thợ giày đến đóng giày dép cho cả nhà, cũng làm việc
trong gian phòng của những người tớ trai; người ta nhìn không chán ông
phó cắt da, đặt đế và khâu giày.
Nhưng vội vàng tất bật nhất là vào cữ Giáng Sinh: hôm lễ Nữ Thánh
Lucia [13] người gái hầu buồng, mặc áo trắng, đầu đội một vòng lá xanh
cắm những cây nến, đem cà phê buổi sáng đến cho mọi người, đánh thức họ
dậy lúc năm giờ sáng; và thế là bắt đầu hai tuần lễ sửa soạn, chẳng một ai
còn có thể mong được ngủ đẫy giấc nữa. Vì phải ngâm đại mạch cho mọc
mộng để cất bia uống Giáng Sinh, phải nướng bánh mì và làm các thứ bánh
ngọt ăn Giáng Sinh, phải quét dọn nhà cửa để mừng Giáng Sinh.