Mấy ngày sau khi bạn đến, đại úy Marcenay bắt gặp anh ta đang lắp chiếc
máy gì trong sân nhà của anh ta.
— Cậu đến đúng lúc quá! – Perrigny kêu lên – Tớ sẽ cho cậu xem cái này
hay lắm nhé.
— Cái này đấy à? – Marcenay vừa hỏi vừa chỉ vào chiếc máy, gồm có hai
cục pin, một nam châm điện, một ống thủy tinh nhỏ chứa mạt sắt và một
thanh đồng cao vài mét.
— Nó đấy. Vật bài trí mà cậu đang thấy là một sáng chế tuyệt vời. Đây là
máy thu điện tín vô tuyến.
— Tớ có được nghe về chuyện này, – Marcenay nói, anh bắt đầu quan
tâm. – Thế vấn đề đã được giải quyết?
— Chứ còn gì nữa! – Perrigny kêu lên, – Hai người trên trái đất cùng
nghiên cứu vấn đề này. Một người là người Italia, tên là Marconi, ông ta đã
tìm ra phương tiện phát sóng Hertz vào không gian... Nhưng cậu đã từng
nghe nói về họ đấy chứ, hả chú lính bất trị?
— Có, có, – Marcenay trả lời. – Marconi dạy ở trường phổ thông. Hơn
nữa, người ta nói về ông ấy khi tớ còn ở Châu Âu cơ. Thế nhà phát minh kia
là ai?
— Nhà vật lý người Pháp Branly. Ông ta đã tìm ra máy thu – một kỳ quan
thuần chất sáng tạo.
— Và cả chiếc máy tớ đang nhìn thấy đây?
— Cả nó nữa. Branly nhận thấy rằng mạt sắt dẫn điện kém, nhưng mạt sắt
trở thành chất dẫn điện tốt dưới tác động của sóng Hertz, chúng được đưa
vào mạch của bộ pin. Dòng điện trong mạch không có vì ống mạt sắt là một
dây dẫn tồi. Cậu hiểu không?
— Hiểu, cậu nói tiếp đi.
— Khi sóng Hertz đến, thanh đồng được gọi là anten thu lấy nó. Ống mạt
sắt nối với anten trở thành dây dẫn, dòng điện được đóng kín và chạy trong
mạch. Cậu vẫn hiểu đấy chớ, hở quân khát máu?
— Ờ, lão già bác học lòi tròng ạ. Tiếp tục đi!
— Tới đây người kể đang đứng trước mặt cậu nhúng tay vào. Nhờ ứng
dụng phát minh của tớ với phát minh của Branly, dòng điện này làm cho