— Cái kia là hậu quả của cái này, – Agénor nói, anh lúng túng vì nàng
ngang bướng đến thế.
Nàng còn bướng bỉnh hơn anh tưởng. Bắt đầu từ ngày đó, nàng thường
trở lại với cái đề tài nặng nề, giày vò anh bằng những câu hỏi mà từ đó dễ
dàng rút ra kết luận: Nàng vẫn giữ trọn niềm tin sắt đá vào sự vô tội của anh
mình.
Sau nhiều lần tranh cãi, dì cháu thừa nhận với nhau là George vô tội và
Agénor de Saint-Bérain không dám bài bác bà dì của anh nữa. Thêm vào đó,
ý kiến của Jane đã tác động mạnh đến tư tưởng của anh. Nếu như anh chưa
hoàn toàn tin vào sự vô tội của viên đại úy phản loạn thì ít nhất cũng đã bị
dao động khi nghĩ rằng George có lỗi...
Mấy năm sau, niềm tin mãnh liệt của Jane càng được củng cố, nhưng chỉ
trên cảm tính hơn là trên lý trí. Tranh thủ được sự ủng hộ của người cháu,
nàng có đạt được vài điều song như vậy hẳn còn ít. Tuyên bố George vô tội
để làm gì nếu không chứng minh được điều đó?
Sau một thời gian dài suy xét kỹ càng, nàng cảm thấy là mình đã tìm ra
phương sách.
— Tất nhiên, – nàng đã nói với Agénor vào một ngày rất đẹp trời, – việc
chú cháu ta tin George vô tội là chưa đủ. Cần phải có chứng cứ, chú hiểu
không, chú thân yêu. Không có bằng chứng thì không ai tin chúng ta cả, cho
dù chúng ta có thể kêu rêu đến bao nhiêu đi nữa rằng George vô tội.
— Điều ấy thì rõ quá rồi, cô bé đáng thương của tôi ạ.
— Trong lúc chính cha cháu tin vào những lời đồn đại mà không rõ căn
nguyên, trong lúc cụ chết dần chết mòn vì đau khổ và xấu hổ trước mắt
chúng ta mà không kiểm tra lại những chuyện đơm đặt ghê tởm đó, trong lúc
cụ nghe thấy những lời buộc tội con trai mình mà không hét to lên: “Các
người nói láo! George không có khả năng gây ra tội ác như thế!”, thì chúng
ta làm sao có thể thuyết phục được những người khác, một khi không cho họ
thấy những bằng chứng không thể chối cãi về sự vô tội của anh cháu.
— Điều ấy rõ như ban ngày, – Agénor vuốt vuốt cái cằm, tán thành.
— Nhưng những chứng cứ ấy... tìm ở đâu?
— Cố nhiên là không phải ở đây.