không khoan nhượng. Hồi đầu năm, tôi đã đăng ký một khóa Creative
Writing do một nhà xuất bản uy tín tổ chức. Tuy nuôi nhiều hy vọng với trại
sáng tác này, tôi vẫn nhanh chóng vỡ mộng. Nhà văn dẫn dắt trại sáng tác -
Bernard Dufy, một tiểu thuyết gia từng có thời hoàng kim hồi thập niên
1990 - tự giới thiệu về bản thân như một thợ kim hoàn về văn phong - theo
đúng câu từ của ông ta. “Toàn bộ tác phẩm của các bạn phải dựa trên ngôn
ngữ chứ không phải dựa trên câu chuyện, ông ta lúc nào cũng lải nhải như
vậy. Câu chuyện ở đó chỉ nhằm phục vụ ngôn ngữ. Một cuốn sách không
thể có mục đích nào khác ngoài nghiên cứu về hình thức, nhịp điệu, sự hài
hòa. Tính độc đáo khả dĩ duy nhất nằm chính ở đó, bởi lẽ, kể từ
Shakespeare, mọi câu chuyện đều đã được viết ra rồi.”
Khoản tiền 1.000 euro mà tôi tiêu tốn cho bài học viết lách này - trong ba
buổi mỗi buổi bốn giờ đồng hồ - đã khiến tôi phát cáu và nhẵn túi. Có lẽ
Dufy nói đúng, nhưng cá nhân tôi nghĩ chính xác điều ngược lại: văn phong
không phải một mục đích tự thân. Phẩm chất hàng đầu của một nhà văn là
biết lôi cuốn độc giả bằng một câu chuyện hay. Một câu chuyện có khả
năng bứt độc giả khỏi cuộc sống riêng để phóng chiếu họ vào giữa sự riêng
tư và sự thật về các nhân vật. Văn phong chỉ là phương tiện phân bổ câu
chuyện và giúp câu chuyện trở nên cuốn hút. Thực ra, tôi hoàn toàn không
quan tâm đến lời khuyên của một nhà văn thuộc trường phái kinh viện như
Dufy. Có lẽ lời khuyên duy nhất tôi muốn tiếp nhận, lời khuyên duy nhất
đủ tầm quan trọng đối với tôi là lời khuyên từ thần tượng bấy lâu của tôi:
Nathan Fawles, nhà văn tôi ưa thích nhất.
Tôi khám phá ra những cuốn sách của ông vào cuối thời niên thiếu, khi
Fawles đã gác bút từ lâu. Những kẻ bị sét đánh, cuốn tiểu thuyết thứ ba của
ông, là do Diane Laborie, cô bạn gái năm cuối trung học, tặng cho tôi làm
quà chia tay. Cuốn tiểu thuyết ấy đã khiến tôi rúng động nhiều hơn việc mất
đi một tình yêu chưa hẳn đúng nghĩa tình yêu. Tôi đã đọc luôn cả hai cuốn
tiểu thuyết đầu tay của ông: Loreleï Strange và Một thành phố nhỏ ở Mỹ.
Kể từ đó, tôi không còn đọc được gì gây kích thích như thế nữa.